Nếu như cổ phiếu của Tập đoàn Nam Cường được niêm yết trên sàn chứng khoán và giao dịch tại mức giá bằng với giá trị sổ sách thì với 8.700 tỷ đồng, bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường - sẽ vượt qua bầu Đức và trở thành người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
|
Bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường. |
Từ khi ông Trần Văn Cường qua đời, bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường đã tiếp quản vị trí lãnh đạo để đưa tập đoàn này phát triển. Bà Ngà được biết đến là một trong những
nữ doanh nhân đình đám trong giới bất động sản.
Trước khi Chủ tịch Trần Văn Cường qua đời, bà Ngà thường được ví như bóng hồng đứng sau lưng giúp vị Chủ tịch này phát triển tập đoàn. Thế nhưng, từ khi chồng qua đời bà Ngà đã cùng các con chèo lái tiếp tục sự nghiệp mà gia đình đã gây dựng. Nữ đại gia Thúy Ngà được biết đến là một phụ nữ giỏi giang, mạnh mẽ và đầy tài thao lược trong ngành bất động sản.
Bà Ngà bắt đầu tiếp quản vị trí lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường sau khi chồng bà là doanh nhân Trần Văn Cường qua đời đầu năm 2010 với tất cả tài sản, quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch cũ và cùng các con tiếp tục đưa Nam Cường phát triển đến ngày nay.
Ở Miền Bắc cũng như ở Hà Nội, Nam Cường là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản.
Tập đoàn bao gồm hai khách sạn 4 sao Nam Cường ở Hải Phòng và Hải Dương, đồng thời cũng là chủ đầu tư của các khu đô thị, dự án khách sạn hạng sang.
|
Ông Trần Văn Cường và vợ - bà Lê Thị Thuý Ngà trong một chuyến công tác năm 11/2007. |
Trong hệ thống khách sạn của tập đoàn Nam Cường, hiện có 2 khách sạn đang hoạt động kinh doanh gồm: khách sạn Nam Cường Hải Phòng (4 sao) mở cửa đón khách từ năm 1998; khách sạn Nam Cường Hải Dương (4 sao) mở cửa đón khách từ năm 2006.
Ngoài ra, Tập đoàn hiện đang triển khai hàng loạt các dự án khách sạn quốc tế tầm cỡ từ 4 - 5 sao tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hòa Vượng (Nam Định), Dương Nội (Hà Đông), Phùng Khoang (Hà Nội)...
Bên cạnh đó, các dự án giao thông do Nam Cường triển khai đều có tổng mức đầu tư lớn như: đường trục phía Bắc Hà Đông hơn 3.000 tỷ đồng; đường trục kinh tế Bắc - Nam gần 7.700 tỷ đồng...
Các dự án khu đô thị, nhà ở đều chiếm quỹ đất đáng kể như: Phúc Thọ 156,5 ha; Thạch Thất 2.448,5 ha; Quốc Oai 2.841 ha; Chương Mỹ 1.000 ha; Ứng Hòa 849 ha; Thanh Oai 7 ha; Mỹ Đức 953 ha và Phú Xuyên 681 ha...
Hiện tại, dù có rất nhiều hoạt động kinh doanh ở Hà Nội nhưng Nam Cường vẫn đặt trụ sở chính ở Nam Định.
Theo giấy chứng nhận kinh doanh thay đổi lần 5 ngày 23/10/2012 của Nam Cường, hiện vốn điều lệ của Tập đoàn này đạt 4.500 tỉ đồng. Trong đó, cá nhân bà Ngà sở hữu lượng cổ phần trị giá xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 88,86% cổ phần.
Bên cạnh đó, theo số liệu CIC thì vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2011 của Nam Cường lên đến 9.800 tỉ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ.Như vậy đồng nghĩa với lượng cổ phần của bà Ngà có giá trị sổ sách khoảng nhất là 8.700 tỉ đồng.
Đầu năm 2014, tạp chí Force Việt Nam có đưa ra danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh các gia tộc lớn được vinh danh từ Sacombank, ACB, Vingroup.. tập đoàn bất động sản có gần 30 năm kinh nghiệm Nam Cường cũng được nhắc đến dưới sự chỉ đạo của nữ doanh nhân Lê Thị Thúy Ngà.
Là một người phụ nữ giỏi giang, song bà Thúy Ngà nổi tiếng là người “kín kẽ”. Nữ doanh nhân của tập đoàn Nam Cường thường rất ít khi xuất hiện trên truyền thông mà bà chỉ tập trung vào công việc và làm từ thiện. Quỹ “Trái tim nhân hậu” do bà Ngà thành lập hàng năm đều được trích 1,5% lợi nhuận của tập đoàn để hoạt động. Quỹ đã tài trợ được 30 ca phẫu thuật tim tại Việt Nam, tài trợ quỹ khuyến học tỉnh Nam Định và các dự án xây nhà tình nghĩa.
Mới đây, ngày 31/8/2014, tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á được khánh thành tại Trúc Lâm Thiên Trường, Nam Định với chiều cao tổng thể của công trình là 20,28 m đã được Tập đoàn Nam Cường đứng ra thực hiện. Đại Tượng Phật có trọng lượng 150 tấn với giá trị thực hiện gần 80 tỉ đồng. Được biết, việc làm này được thực hiện theo di nguyện của ông Trần Văn Cường.
Theo Một Thế Giới