Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, nếu giá thế giới tiếp tục giảm, ngoài việc cân nhắc giảm giá trong nước, Bộ sẽ cân nhắc tăng thuế nhập khẩu.
[links()]
|
ảnh minh họa |
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trước phiên khai mạc sáng nay 21/5, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tín hiệu giảm giá đã rõ và có thể giảm vài trăm đồng/lít xăng, tuy nhiên Bộ còn phải theo dõi diễn biến thêm vài ngày nữa, bởi giá vừa giảm cách đây 9 ngày, trong khi đó chu kỳ lưu kho xăng dầu là 30 ngày.
“Lần giảm gần đây, cơ quan quản lý đã tính sát từng đồng, hầu như không còn dư địa lãi”, ông nói thêm.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, nếu giá thế giới tiếp tục giảm, ngoài việc cân nhắc giảm giá trong nước, Bộ sẽ cân nhắc tăng thuế nhập khẩu.
“Nếu diễn biến thế giới không thuận, trong nước chưa thể giảm giá, có thể cân nhắc hỗ trợ trực tiếp cho một số đối tượng thuộc diện nghèo”.
Sau hai lần tăng giá với mức 3.000 đồng một lít, hôm 9/5, giá xăng bán lẻ trong nước giảm 500 đồng một lít. Đồng thời, thuế nhập khẩu nâng từ 0% lên 3%. Theo Bộ trưởng Huệ, mức thuế nhập khẩu hiện nay còn thấp xa so với khu vực.
Giá xăng dầu tại Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay liên tục giảm.Cụ thể, trung bình nửa đầu tháng 5, xăng RON 92 giảm 8,65% so với nửa đầu tháng 4, đạt 122,25 USD mỗi thùng, giảm 4,85 USD. Dầu FO, dầu hỏa, DO cũng giảm lần lượt là 6,35%, 5,46% và 5,41%. Giới kinh doanh cho hay, giá cơ sở và giá bán lẻ chênh lệch khoảng 400-600 đồng mỗi lít và doanh nghiệp bắt đầu có lãi.
Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các loại nhiên liệu nhập khẩu tiếp tục giảm giá trong nửa đầu tháng năm, dao động 5-9% tùy mặt hàng.
Theo Song Linh
VnExpress