Có điều kiện, nếu không thì loạn hết
Luật sửa đổi Luật Hàng không dân dụng được Bộ trưởng Thăng trình bày sáng nay 21/2 bắt đầu bằng việc tái cơ cấu ngành hàng không. Theo đó, “Tách hoàn toàn chức năng quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh”, tách “khai thác kết cấu hạ tầng ra khỏi hoạt động kinh doanh vận tải”.
|
Thị trường hàng không ở Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt. |
Cho đến hiện tại, đã có các hoạt động vận tải hàng không, khai thác cảng hàng không, sân bay đã được thương mại hóa cho phép cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng tham gia.
Theo ông Thăng, riêng trong lĩnh vực vận tải, hiện có 4 doanh nghiệp tham gia là Vietnam Airline; Jestar Pacific Airline; Vietjet Air và Công ty bay dịch vụ hàng không.
Ngay sau khi ông Thăng trình bày báo cáo tiếp thu, đã không ít chất vấn hóc búa được đưa ra. Đại ý: Hiến pháp nói mọi người được tự do kinh doanh với những lĩnh vực Nhà nước không cấm. Luật không cấm có nghĩa là người ta sẽ làm? Khi trong luật chỉ quy định “cho làm cái này”, mà không thấy cấm.
Bộ trưởng Thăng khẳng định kinh doanh hàng không là kinh doanh có điều kiện. Nhà nước chỉ quản lý bay vì đây là lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng. Ông Thăng dẫn thực tế: “Trong các danh mục cổ phần hóa của Bộ chỉ trừ Tổng công ty Quản lý bay là không cổ phần hóa”.
Theo Bộ trưởng, hoàn toàn không có quy định chỉ các DN Bộ GTVT được phép kinh doanh trong hàng không dân dụng. Và việc luật không ghi vùng cấm là thể hiện nguyên tắc nhất quán: Tất cả các cá nhân, DN có năng lực đều có thể kinh doanh hàng không. Tất nhiên “miễn là đủ đáp ứng các điều kiện, nếu không thì loạn hết”.
Ông khẳng định kinh doanh hàng không “Không có vùng cấm, cũng không chỉ riêng DN của Bộ được kinh doanh hàng không”.
Từ giá bát mì ở Nội Bài
Từ thực tiễn giá bát mì tôm ở sân bay Nội Bài, Bộ trưởng Thăng cho biết “dù các dịch vụ hàng không đã có tính cạnh tranh nhưng xã hội vẫn yêu cầu Nhà nước can thiệp vào giá các mức giá cụ thể, chống lại sự lợi dụng địa bàn để dễ dàng tăng giá quá mức”.
Đây là lý do Luật sửa đổi đặt vấn đề định mức giá, khung giá, hiệp thương giá dịch vụ hàng không, phi hàng không, cước vận tải hàng không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Và mức phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính. Bộ trưởng Thăng nói rõ là vì lợi ích trước hết của người tiêu dùng.
Tuy nguyên tắc này nhận được sự ủng hộ của cơ quan thẩm tra nhưng cũng không khỏi có những ý kiến băn khoăn.
“Nếu công khai minh bạch thì phải để Bộ Tài chính định giá trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT thì đúng hơn, có như vậy mới tránh được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Bởi biết đâu có một lúc nào đó Bộ GTVT quên đi lợi ích của người tiêu dùng” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng một số ý kiến trong Thường trực UBPL tán thành với dự thảo Luật, giao Bộ Giao thông vận tải quy định giá đối với một số dịch vụ hàng không là phù hợp về thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật giá năm 2012 (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quy định giá dịch vụ theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ).
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý vai trò của Bộ Tài chính khi nhắc lại những ý kiến đề nghị quy định Bộ Giao thông vận tải quyết định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
Theo Lao Động