Cách phát hiện vàng nhái bằng mắt thường

Google News

Phân tích của chuyên gia cho thấy, người dân chưa biết cách phân biệt vàng giả, nhái, thậm chí chưa một lần đưa vàng đi kiểm nghiệm.

- Thông tin vàng SJC bị làm giả, làm nhái khiến người dân hoang mang. Tuy nhiên, các phân tích của chuyên gia cho thấy, người dân chưa nhận thức rõ giá trị của vàng, chưa biết cách phân biệt vàng giả, nhái, thậm chí chưa một lần đưa vàng đi kiểm nghiệm.

Thách đố, đỏ đen... với vàng

Ngày 29/10, tại một số cửa hàng bán vàng SJC ở Hà Nội và cửa hàng "phi" SJC như Bảo Tín Minh Châu cho thấy, người dân đến mua bán và kiểm nghiệm vàng khá đông. Tuy nhiên, khi được hỏi về giá trị vàng cũng như khả năng nhận biết bằng cảm quan bên ngoài sản phẩm thì người dân không rõ.

Bà Nguyễn Thanh Trúc (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) cho hay, từ khi nghe thông tin về vàng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia thì bà cùng người thân đều chuyển đổi một số loại vàng của các đơn vị khác thành vàng miếng của SJC. Tuy nhiên, đến nay nghe thông tin tất cả các vàng miếng khác vẫn được lưu hành bình thường, thấy giá trị vàng đang bị hiểu nhầm. Bởi giá vàng của SJC cao hơn giá vàng một số đơn vị khác lên tới 2 - 3 triệu đồng. Trong khi chất lượng vàng như nhau, tức đều 999,9. Điều này khiến người dân bị mất tiền vào thương hiệu và bao bì, thậm chí là mua nhầm vàng làm nhái, làm giả như thời gian vừa qua.

Còn ông Trần Văn Hiệu (Trần Phú, Hà Nội) cũng toát mồ hôi sau khi kiểm tra được vàng của mình có phải là vàng SJC thật hay không, chia sẻ: "Tôi nghe nói vàng SJC bị làm nhái nên tức tốc đưa số vàng nhà có đi kiểm tra. May mắn là vàng SJC thật. Điều này chẳng khác gì thách đố, đỏ đen, khiến dân bất an, bởi khi mua bằng mắt thường khó ai biết được đó là vàng nhái hay thật".

Người dân cần đến các đại lý chính thức để mua bán vàng chất lượng đảm bảo.
Người dân cần đến các đại lý chính thức để mua bán vàng chất lượng đảm bảo.

Cách nhận biết vàng giả, nhái

Trao đổi về vấn đề vàng giả, nhái thương hiệu SJC, bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh Vàng, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho rằng, việc này đã từng xảy ra cách đây một số năm về trước. Những sản phẩm được cho là làm giả, làm nhái là những sản phẩm đã bị bào mòn, không đúng như trọng lượng tiêu chuẩn hoặc bị làm nhái về bao bì thương hiệu SJC nhưng thực chất không đúng chất lượng vàng SJC 999.9.

Bằng mắt thường, người tiêu dùng có thể phân biệt một số điểm gồm: Nét chữ và nét vẽ rồng của vàng nhái lớn hơn vàng thật; Hình vẽ rồng vàng không sắc nét, chữ số không rõ ràng, méo mó, số và chữ chạm vào nhau. Bao bì nhựa của vàng nhái mềm hơn bao bì cũ.

Nếu kiểm tra bằng máy đo tuổi vàng bằng tia X được hoạt động dựa trên phương pháp quang phổ thì sẽ có kết quả rất nhanh, chỉ trong vòng 1 - 3 phút là có ngay kết quả. Máy sẽ đưa ra được kết quả chính xác thông số về chất rắn, độ dày lớp xi, hàm lượng kim loại trong lớp xi, phân tích tính chất và số lượng tuổi vàng có trùng khớp với thông số ghi trên bao bì hay không. Từ đó sẽ phân biệt được thật hay nhái, giả.

Để tránh mua nhầm hàng giả, hiện nay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC đã đổi bao bì mới có màng Hologram chống giả, có kim tuyến dành cho các miếng vàng trọng lượng nhỏ loại 5 chỉ, 2 chỉ, 1 chỉ và 0.5 chỉ từ 22/10/2012. Trước đó, SJC đã sử dụng vỏ bao bì Hologram chống giả cho vàng miếng 1 lượng từ tháng 10/2011.
 
Khi đi mua vàng SJC nói riêng và vàng nói chung, người dân nên đến những nơi bán hàng có thương hiệu, yêu cầu nơi bán xuất hóa đơn tài chính, ghi rõ số seri miếng vàng và chọn sản phẩm có bao bì có màng Hologram chống giả. Việc yêu cầu ghi rõ số seri sẽ tạo thuận lợi cho việc trao đổi mua bán sau này, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người mua. Tốt nhất, người dân nên đến mua tại hệ thống chi nhánh, đại lý của SJC để mua được sản phẩm vàng SJC chất lượng, đảm bảo.

"Giá trị vàng miếng hiện nay đang bị "thổi" bởi thương hiệu. Vì thế dẫn đến sự chênh lệch giá của SJC và một số hãng khác như Bảo Tín Minh Châu đến hơn 2 triệu đồng. Trong khi đó, từ xưa đến nay, kể cả vàng thế giới chủ yếu vẫn tính trên chất lượng. Chính điều này khiến người dân bị thiệt hại nặng khi mua vàng miếng".
GS Phan Trường Thị (Viện trưởng Viện Đá quý Trang sức Việt Nam)
Hiền Dung
 
Bài đọc nhiều: