Đề xuất việc Việt kiều về nước không được cho hoặc tặng người thân ngoại tệ mà phải chuyển sang tiền đồng tức là không cho phép người dân được cho hoặc tặng ngoại tệ đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là một trong những nội dung thuộc Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý trước khi trình Chính phủ vào tháng 12/2013.
Nếu đề xuất này được thông qua thì sắp tới nếu muốn cho, biếu, tặng bằng ngoại tệ thì người tặng sẽ phải chuyển đổi sang tiền đồng thay vì được phép như hiện nay - được quy định trong Nghị định 160 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Trao đổi với
Kiến Thức về đề xuất này, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương phân tích: Đề xuất này là một bước đi đúng đắn trong lộ trình chống đô la hóa, vàng hóa mà Ngân hàng Nhà nước đang làm. Theo đó, không nhanh thì chậm, bằng mọi giá chúng ta phải chống lại tình trạng đô la hóa, vàng hóa. Bởi vì tình trạng đô la hóa, vàng hóa sẽ làm đảo lộn quy mô tiền tệ, ảnh hưởng tới nền kinh tế ở mức độ vĩ mô.
Theo ông Dương, vẫn theo phương châm người dân Việt Nam dùng tiền Việt Nam, dù mua bán hay trao đổi cũng phải thực hiện bằng tiền đồng. Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân thực hiện việc này tốt hơn nữa.
"Tuy nhiên, để tăng tính khả thi cho đề xuất này, việc mà ban soạn thảo dự thảo nghị định cần đưa ra đó là thời điểm thích hợp để thực hiện đề xuất. Ban soạn thảo có thể quy định mức cụ thể cho từng lần cho nhận. Điều quan trọng là phải làm sao để người dân hiểu rằng, việc mà Ngân hàng Nhà nước làm tuy có chút trở ngại trong thực tế nhưng cuối cùng người dân vẫn là người được hưởng lợi", tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.
Theo một thành viên ban soạn thảo dự thảo nghị định trên báo Tuổi trẻ Online (ngày 5/11), mục tiêu của đề xuất trên là chống đô la hóa. Vì vậy cần phải hạn chế giao dịch bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch phải thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Vị đại diện ban soạn thảo của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc biếu, tặng, cho bằng ngoại tệ cũng là một giao dịch do phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch. Theo đó, người tặng, cho từ bỏ quyền sở hữu đối với số tiền đó, còn người được tặng cho thì nhận quyền sở hữu với số tiền đó. Vị đại diện Ngân hàng cũng cho rằng, nếu muốn tặng, cho ngoại tệ thì người dân sẽ phải đổi sang tiền đồng, như vậy về bản chất đề xuất này là hạn chế chứ không cấm người dân cho biếu tặng bằng ngoại tệ.
Vị này cũng cho biết, ngoài đề xuất không cho người dân cho, tặng bằng ngoại tệ thì các quy định khác trong dự thảo nghị định đều được giữ nguyên. Cụ thể, công dân Việt Nam có ngoại tệ tiền mặt gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng vẫn được rút tiền gốc, lãi bằng ngoại tệ đã gửi. Tức là gửi USD thì nhận lãi và gốc bằng USD chứ không phải bằng tiền đồng.
Thực tế, trong thời gian qua, một số cá nhân là người nước ngoài đã chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào. Sau đó, họ chuyển số ngoại tệ đó sang tài khoản tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ để hưởng chênh lệch lãi suất rồi tất toán toàn bộ gốc và lãi để chuyển ra nước ngoài. Điều này gây áp lực lên thị trường ngoại tệ của Việt Nam, đặc biệt trong những thời kỳ căng thẳng ngoại tệ.
Cũng trao đổi về đề xuất trên với Kiến Thức, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật sư BQH và cộng sự cho biết: Đề xuất trên của Ngân hàng Nhà nước nhằm quản lý chặt chẽ hơn về mặt ngoại tệ. Nhưng để chống lại tình trạng đô la hóa thì cần phải kết hợp rất nhiều biện pháp, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ việc mua bán đô la ở thị trường chợ đen.
Theo luật sư Bùi Quang Hưng, đề xuất này có thể nhận phản ứng từ một số người được nhận ngoại tệ từ người thân của mình nhưng dần dần có thể hình thành cho họ thói quen đổi sang tiền đồng để thực hiện các mua bán, giao dịch khi họ được nhận ngoại tệ.
Hải Sơn