Có bao nhiêu doanh nghiệp tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt?

Google News

(Kiến Thức) - Tính đến ngày 3/3/2017, có 19 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt, tăng gần gấp đôi so với con số 10 doanh nghiệp hồi cuối năm 2016.

Theo khảo sát của Kiến Thức, tính đến thời điểm ngày 3/3/2017, có 19 doanh nghiệp đã đạt vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam, trong đó có 16 doanh nghiệp trên HOSE và 2 doanh nghiệp trên sàn UPCoM.
Như vậy, nếu so với năm 2016, số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD đầu năm 2017 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (10 doanh nghiệp) do hiệu ứng của một loạt doanh nghiệp lớn lên sàn, giá nhiều cổ phiếu cũng tăng trưởng "chóng mặt".
Mới đây nhất, ngày cuối cùng của tháng 2/2017, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) đã chính thức niêm yết trên sàn HOSE. Vừa mới niêm yết, Vietjet Air đã lọt top doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD. Cụ thể, với 300 triệu cổ phiếu niêm yết khi chào sàn và mức giá mở cửa phiên đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu, ngay khi chào sàn vốn hóa của Vietjet Air đã đạt 27.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,2 tỷ USD (bằng khoảng 1,5% vốn hóa của sàn HOSE). Trước đó, nhiều chuyên gia và các nhà nhận định quốc tế cũng đã định giá hãng hàng không giá rẻ này vào khoảng 1,2 tỷ USD.
Co bao nhieu doanh nghiep ty do tren san chung khoan Viet?
 Ảnh minh họa: Việt Báo.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn của cổ phiếu hãng hàng không chiếm 41% thị phần bay trong nước tại Việt Nam còn nóng hơn thế khi các phiên sau đó giá cổ phiếu này liên tục tăng, đưa mức vốn hóa lên cao hơn. Chốt phiên giao dịch ngày 3/3, vốn hóa thị trường của Vietjet Air đã tăng lên 39.630 tỷ.
Trước đó, ngay trong tuần đầu tiên của năm 2017, hai doanh nghiệp có mức vốn hóa tỷ USD cũng đã bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM.
Tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 3/1, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đã giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán HVN. Với số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch đạt trên 1,2 tỷ và giá tham chiếu 28.000 đồng mỗi đơn vị, ước tính vốn hóa ngày đầu tiên lên sàn của Vietnam Airlines đạt hơn 34.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Ngay sau Vietnam Airlines, ngày 5/1/2017, một doanh nghiệp khác có vốn hóa tỷ đô cũng chào sàn UPCoM, đó là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Với lượng đăng ký giao dịch hơn 538 triệu cổ phiếu (Mã CK: MCH) và giá tham chiếu ngày đầu là 90.000 đồng, vốn hóa của Masan Consumer thời điểm chào sàn đạt hơn 48.400 tỷ đồng, xấp xỉ 2,13 tỷ USD.
Dưới đây là danh sách 19 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt tính đến thời điểm ngày 3/3/2017:
Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán VNM): Vốn hóa thị trường tính tới ngày 3/3/2017: > 188.538 tỷ đồng
Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán SAB): Vốn hóa thị trường tính tới ngày 3/3/2017: > 144.544 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB): Vốn hóa thị trường tính tới ngày 3/3/2017: > 134.916 tỷ đồng
Tập đoàn Vingroup – Công ty cổ phần (mã chứng khoán VIC): Vốn hóa thị trường tính tới ngày 3/3/2017: 117.378 tỷ đồng
Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần (Mã chứng khoán GAS): Vốn hóa thị trường tính tới ngày 3/3/2017: > 112.122 tỷ đồng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã ACV): Vốn hóa thị trường tính tới ngày 3/3/2017: > 110.818 tỷ đồng.
Ngoài ra, những doanh nghiệp còn lại nằm trong danh sách có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD nhưng dưới 100.000 tỷ đồng đó là: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (CTG), CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (HVN), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL), Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN), Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB).
Nếu nhìn vào danh sách các doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa 1 tỷ USD trở lên có thể thấy sự thay đổi còn lớn hơn rất nhiều. Từ con số 10 tròn trịa trong năm 2016 đã lên tới 19 doanh nghiệp ngay đầu năm nay.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do tác động của làn sóng niêm yết đối với hàng loạt doanh nghiệp tỷ USD như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Sabeco, Masan...
Một điểm tích cực nữa cũng phải nói đến là nhiều cổ phiếu mới thuộc các ngành kinh tế cơ bản như hàng không, sản xuất, công nghiệp chứ không như mọi năm, chủ yếu tập trung ở bất động sản hay ngân hàng.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp tỷ USD không chỉ giúp nâng quy mô thị trường mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào quá trình thoái vốn của Chính phủ ở những tổng công ty, tập đoàn lớn dự kiến sẽ IPO hàng loạt trong năm 2017.
Tổng vốn hoá của thị trường niêm yết trong năm 2016 đạt hơn 1,64 triệu tỷ đồng (72 tỷ USD), tăng 345.000 tỷ đồng (26,6%), tương ứng tăng khoảng hơn 15 tỷ USD so với cuối năm 2015. Từ nay đến 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đề ra mục tiêu đạt mức 50-70% GDP. Với những động thái tích cực trên, điều này hoàn toàn có thể làm được khi nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ tiếp tục niêm yết và thị trường thu hút được dòng tiền trong dân chúng và từ nước ngoài.
Minh Hiếu