Trao đổi với Kiến Thức về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang với thuế suất 20%, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ với đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng. Bởi lẽ, thuế suất là công cụ điều tiết rất tốt đối với thị trường nói chung và thị trường vàng nói riêng. Thuế suất cũng góp phần không nhỏ vào lộ trình quản lý vàng của nước ta.
Trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam, các cơ quan chức năng đã xây dựng được một lộ trình quản lý vàng khá hiệu quả. Điều này một phần được thể hiện bằng việc đã loại bỏ được vàng miếng ra khỏi phương tiện thanh toán của nước ta. Những phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước đã bình ổn được thị trường vàng và giải quyết được nhu cầu vàng rất lớn trong dân. Từ đầu năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhập khoảng 60 tấn vàng, trong đó 30 tấn vàng dùng để tất toán, còn lại để cung ra ngoài thị trường.
|
Sẽ đánh thuế tiêu thụ đối với vàng trang sức? Ảnh minh họa: Internet. |
TS Lê Thẩm Dương phân tích thêm: Lộ trình quản lý vàng đã được "thai nghén" trong nhiều năm nhưng đến nay mới thực sự cho thấy hiệu quả. Lộ trình này về cơ bản đã được định hình rõ nét. Vì nước ta không sản xuất vàng, thị trường vàng lại nhiều biến động, trong khi đó hệ thống pháp luật chưa được hoàn chỉnh nên rất cần đến các biện pháp nhằm ổn định hơn nữa thị trường vàng, tránh hiện tượng đầu cơ vàng hay vàng hóa. Vì thế, cần căn cứ vào quá trình điều tiết cung cầu với vàng và hiệu quả của nó để tung ra đề xuất đánh thuế và mức thuế cho phù hợp.
Cũng theo ông Dương: Đề xuất đánh thuế với vàng sẽ hạn chế được nhu cầu mua vàng miếng, tránh tác động không tốt tới tỷ giá và thị trường ngoại hối. Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những sắc thuế có mức thuế suất cao, thấp nhất cũng là 20%. Nếu vàng miếng phải chịu thuế này, chắc chắn giá sẽ đội lên rất nhiều. Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân giữ vàng miếng để dần tiến tới xóa bỏ tình trạng "vàng hóa", tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ và nghiên cứu một cách bài bản về việc đánh thuế này.
Trong khi đó, trả lời trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay, trong thời điểm ngành trang sức còn gặp nhiều khó khăn, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên các mặt hàng nữ trang 20% là quá cao và chưa nên áp dụng lúc các doanh nghiệp khó khăn như hiện nay.
Theo ông Long, đặt trong bối cảnh hàng nữ trang Việt Nam đang chật vật trong việc tiêu thụ bởi sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc thì việc đánh thuế lại vô tình tạo cho hàng Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp nữ trang hiện đang gặp khó vì nguồn nguyên liệu không thể nhập từ nước ngoài, trong khi mua trong nước giá cao, cộng với việc không được vay tiền mua vàng nên việc đánh thuế sẽ khiến doanh nghiệp đã khó còn khó hơn.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - cơ quan vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chức năng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng thì việc làm này sẽ làm ổn định tỷ giá, là cơ sở quan trọng để đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 3%/năm. Đồng thời giải pháp này cũng tăng thêm dự trữ ngoại hối lên 30 tỷ USD, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên 60 tỷ USD.
Hải Sơn