Doanh nghiệp bán lẻ “tấp nập” lên sàn
Chỉ cách đây khoảng 2 năm, nếu một doanh nhiệp bán lẻ thuê được một vị trí kinh doanh tại các tuyến đường sầm uất như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Hàm Nghi… thì coi như khả năng thành công của sản phẩm tiếp cận đến khách hàng đã được 50%. Một nửa còn lại là chất lượng sản phẩm, thái độ phục vụ và giá thành.
Nhưng bây giờ thì hoàn toàn khác, số lượng doanh nghiệp bán lẻ tại Đà Nẵng không ngừng tăng, trong đó có sự góp mặt của các tập đoàn bán lẻ thế giới như như Big C, Aeon, Auchan, Lotte khiến cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ thêm khốc liệt. Bên cạnh đó, giá cho thuê các mặt bằng ở những khu vực này không hề nhỏ, và sẽ là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp bán lẻ nhỏ và vừa.
Hình thức thương mại hiện tại cũng được chia làm 3 loại, thương mại truyền thống (bán hàng offline), thương mại điện tử (bán hàng online) và thương mại đa kênh (tích hợp online và offline – O2O).
Bán hàng offline vẫn tồn tại nhưng lượng khách đang mất dần về tay các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.
|
Không khó để tìm được các sản phẩm của doanh nghiệp Đà Nẵng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. |
Theo ông Trần Trọng Tuyến – Tổng Thư ký của VECOM, trong 10 năm tới thương mại truyền thống vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong thương mại tại Việt Nam nhưng thương mại điện tử đang trỗi dậy. Thương mại truyền thống phải thay đổi, nếu không sẽ bị đào thải. Và tiêu chuẩn của thương mại hiện đại là O2O.
Đà Nẵng sở dĩ được đánh giá là thành phố năng động, bởi doanh nghiệp tại thành phố này rất nhanh nhạy và mạnh dạn “chuyển mình”. Trong cuộc đua thương mại 4.0 cũng vậy. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa tiêu dùng của thành phố như Hòa Thọ, 29/3, Hương Quế, BQ, cao su Đà Nẵng, Danapha… ngoài việc hoàn thiện và cập nhật website cũng đã sớm đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tận dụng mạng xã hội… để phát triển, hoàn thiện sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu.
Còn các doanh nghiệp bán lẻ Đà Nẵng đã phủ sóng toàn bộ các kênh bán hàng trực tuyến từ Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, facebook, zalo, viber….
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty Hương Quế Đà Nẵng, thương mại điện tử và “số hóa” thương mại là bước đột phá để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các nhà bán lẻ tiếp cận được nguồn khách hàng khổng lồ với chi phí vô cùng rẻ. Đây cũng là điều kiện và cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đơn vị tài chính còn hạn chế đưa sản phẩm ra thị trường, khẳng định chỗ đứng của mình.
Ông Sơn cũng cho biết, doanh nghiệp ngoài tham gia tất cả các sàn miễn phí thì cũng tham gia sàn giao dịch Alibaba. “Chúng tôi đã tham gia sàn này được một thời gian, kết quả thu về rất tốt. Chúng tôi trả phí và hài lòng về khoản phí này. Chúng tôi cũng nhận được lời mời từ sàn giao dịch Amazon và đang tính toán, cân nhắc tham gia sàn này.”
Về phía chính quyền TP. Đà Nẵng, nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử, trong năm 2018, thành phố đã cho ra đời 2 sàn giao dịch thương mại điện tử gồm techmartdanang.vn và danangtrade.com.vn, thu hút khoảng 600 doanh nghiệp lên sàn với hàng ngàn sản phẩm. Dù hoạt động chưa hiệu quả như kỳ vọng nhưng đây là những bước đi đầu tiên cho thấy sự sẵn sàng nhập cuộc và hỗ trợ doanh nghiệp thành phố trong kỷ nguyên “số hóa”.
Kiểm soát hàng hóa tại chợ truyền thống bằng QR code
Việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, thành phần của sản phẩm hàng hóa tại các chợ truyền thống không phải thông qua một cơ quan hay đơn vị nào, mà trực tiếp người tiêu dùng sẽ là người kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 10/2018, 76 tiểu thương ngành hàng thực phẩm tại chợ Hàn đã đồng loạt dám tem QR code để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Trong đợt thí điểm kéo dài đến hết tháng 12/2018 sẽ có khoảng 1,4 triệu tem QR code được kích hoạt dựa trên những thông tin về sản phẩm thí điểm do các hộ tiểu thương tham gia chương trình cung cấp như tên sản phẩm, tên thương hiệu (quầy hàng), số điện thoại, địa chỉ, giấy phép kinh doanh (nếu có), thành phần của sản phẩm, ngày sản xuất và hạn sử dụng…
Ông Lê Ngọc Thanh – Giám đốc Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng cho biết, đây cũng là một “điểm cộng” cho chợ truyền thống trong cuộc cạnh tranh với các trung tâm thương mại bán lẻ hiện đại như siêu thị. “Về lâu dài, trong xu thế chợ truyền thống buộc phải phát triển hiện đại hơn, Ban Quản lý các chợ sẽ vận động các hộ kinh doanh thay đổi nhận thức và bỏ kinh phí để dán tem sản phẩm."
Theo Vũ Lê/Người tiêu dùng