Đủ chiêu giảm nợ xấu
Trong tình hình kinh tế khó khăn chung của các doanh nghiệp, nhiều công ty vẫn sống khỏe nhưng nhiều công ty đang lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Để giảm được số dư nợ, cải thiện chỉ số tài chính, nhiều công ty đã không ngần ngại tái cấu trúc, các tập đoàn thì bán bớt hoặc tách các công ty con ra khỏi "cơ thể" mình.
Đây là chiêu mà Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức đã thực hiện. Theo bầu Đức, HAGL sẽ dần thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, bất động sản tại Việt Nam và đầu tư vào 2 mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar.
|
Bầu Đức hy vọng đợt tái cấu trúc này nợ ròng của HAGL sẽ giảm xuống 10.000 tỷ đồng. |
Hiện HAGL đã bán 6 dự án thủy điện và mang về doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, đồng thời giảm được dư nợ là 1.876 tỷ đồng. HAGL cũng sẽ thu hẹp hoạt động ngành khoáng sản (hiện tại HAGL có 3 mỏ sắt tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia) và sau đó bán đi. Bên cạnh đó, HAGL cũng sẽ bán cổ phần của Công ty gỗ cho người lao động và chỉ giữ lại khoảng 20%.
Bước đi mạnh mẽ nhất của HAGL là tái cấu trúc ngành bất động sản, cụ thể là sẽ tách các công ty con sở hữu những dự án căn hộ tại Việt Nam ra khỏi tập đoàn và chỉ giữ lại dự án Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty phát triển Nhà Hoàng Anh. Những dự án này sẽ được bán cho Công ty An Phú, một công ty được HAGL thành lập có nhiệm vụ xử lý nợ xấu cho tập đoàn. Công ty An Phú sẽ vay tiền của công ty mẹ để thanh toán các khoản mua công ty con và các dự án không hiệu quả nói trên đồng thời xây dựng tiếp hoặc bán dự án để thu tiền về cho tập đoàn để giảm bớt dư nợ của ngành bất động sản của tập đoàn.
Bầu Đức hy vọng đợt tái cấu trúc này nợ ròng của HAGL sẽ giảm xuống 10.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 13.000 tỷ đồng.
Với chiêu giảm nợ xấu này, trước đó Tập đoàn Mai Linh cũng đã kiên quyết làm để giảm số nợ hàng ngàn tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2013, Tập đoàn Mai Linh đã thông qua việc phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, tương đương 1.000 tỷ đồng để thanh toán nợ vay. Theo đó, Mai Linh sẽ dành khoảng 800 tỷ đồng để thanh toán nợ vay ngắn hạn và 200 tỷ đồng để đầu tư phát triển.
|
Ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh khẳng định sẽ không nợ lương nhân viên. |
Đồng thời, để tồn tại và phát triển, Mai Linh cũng đưa ra kế hoạch tái cấu trúc toàn diện theo hướng kinh doanh duy nhất - chỉ tập trung cho dịch vụ taxi. Mai Linh quyết định sẽ thoái vốn và bán tài sản ở tất cả các ngành nghề không liên quan như thương mại, giáo dục, xây dựng, bất động sản và kể cả vận tải hành khách đường dài.
Theo ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Mai Linh, hiện tại Mai Linh đã ký hợp đồng tư vấn để tái cấu trúc toàn diện với 1 trong 4 tập đoàn tư vấn tài chính lớn của thế giới là Price Water House Cooper. Ông Hồ Huy cũng khẳng định sẽ trả đầy đủ lương cho 28.000 cán bộ công nhân viên của công ty.
Một tập đoàn khác là Thái Hòa cũng phải bán "con" để giải quyết nợ xấu. Tập đoàn Thái Hòa là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cà phê với tổng tài sản lên tới gần 2.000 tỷ đồng nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ triền miên, đối mặt với án hủy niêm yết do phát triển nóng, đầu tư dàn trải, dùng vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn, chi phí tài chính cao. Khó khăn đến mức, ông chủ của Tập đoàn Nguyễn Văn An đã phải chấp nhận thế chấp cả nơi mình đang ở để vay tiền, hỗ trợ công ty.
|
Chủ tịch của Tập đoàn Thái Hòa, ông Nguyễn Văn An phải chấp nhận thế chấp cả nơi mình đang ở để vay tiền, hỗ trợ công ty. |
Những tháng đầu năm 2012, Thái Hòa đã liên tục đàm phán với các chủ nợ là các ngân hàng nhằm chuyển khoản nợ ngắn hạn sang dài hạn. Trong báo cáo tài chính của Thái Hòa, con số nợ ngân hàng lên tới 1.200 tỷ đồng, trong khi vốn sở hữu lại rất thấp (300 tỷ đồng). Để giải quyết khoản nợ này, Thái Hòa đã giảm bớt quy mô và bán một số tài sản hoạt động ngoài ngành. Theo đó, tập đoàn tạm thời đóng cửa một số dự án không hoạt động hiệu quả ở lĩnh vực xây dựng. Tập đoàn cũng bán lại cho ngân hàng Maritime Bank dự án Thái Hòa Điện Biên với giá hơn 40 tỷ đồng và 51% cổ phần một phần công ty cà phê bên Lào. Đồng thời Thái Hòa cũng mời ngân hàng Habubank tham gia vào 3 dự án tại Hòa Bình, Sơn La và Quảng Trị...
Những doanh nghiệp tập đoàn khác như EVN, Vinaconex, Đồng Tâm... cũng từng phải tái cấu trúc, bán bớt các tài sản đầu tư ngoài ngành để giảm nợ xấu.
Kết thúc không có hậu của đầu tư ngoài ngành
Trong giới tài chính, thuật ngữ dùng để chỉ cách thức tái cấu trúc này là "spin off". Hiểu một cách đơn giản đây là quá trình tái cấu trúc bằng cách tách mảng kinh doanh nào đó của doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hoặc không phải là hoạt động kinh doanh lõi ra và chuyển vào một công ty hoàn toàn mới hoặc bán những dự án ngoài ngành.
Đối với HAGL, việc tái cấu trúc này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu HAGL trên thị trường chứng khoán nếu như nhà đầu tư cho rằng khối bất động sản mà của Công ty An Phú vừa được HAGL bán cho lớn hơn giá trị sổ sách thì có nghĩa là giá trị của HAGL đã giảm xuống và họ sẽ bán ra cổ phiếu HAGL. Ngược lại, những nhà đầu tư xem bất động sản của HAG chỉ là "cục nợ xấu" thì giá trị HAGL sẽ tăng thêm và họ sẽ mua vào. Đối với những cổ đông lớn của HAGL như ông Đoàn Nguyên Đức thì việc tách ra này có thể là bước đi đầy toan tính. Nếu An Phú nhanh chóng thu hồi được vốn và mang lại cho những cổ đông lớn như ông Đoàn Nguyên Đức một số món lời lớn. Tất nhiên, cũng có khả năng An Phú thua lỗ và ông Đức phải mất tài sản, tiền bảo lãnh nhưng có lẽ điều này khó diễn ra.
Đối với trường hợp Mai Linh, đối mặt với tình trạng nợ nần, ngay từ Đại hội cổ đông 2010, tập đoàn đã đặt vấn đề tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy quản lý, loại bỏ doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Ông Chủ tịch của Mai Linh cũng từng kêu gọi cán bộ nhân viên "tiếp máu" cho Mai Linh bằng cách gia hạn nợ hoặc chuyển nợ thành cổ phần ưu đãi. Tuy nhiên những giải pháp cũng khó hiệu quả vì nó không phải giải pháp căn cơ của Mai Linh.
Muốn vực dậy công ty, Mai Linh cần phải khắc phục 3 "tử huyệt" là (1) giảm nợ vay đặc biệt là phần vay với lãi suất cao, (2) tinh gọn bộ máy quản lý điều hành, (3) giảm đầu tư dàn trải và chỉ tập trung vào thị trường có hiệu quả. Để làm được điều này cần phải có một sự tái cấu trúc toàn diện từ cách thức tổ chức đến con người và cả tư duy lãnh đạo.
Còn đối với trường hợp của Thái Hòa, theo các ngân hàng chủ nợ, Thái Hòa đã đầu tư sai, đem vốn ngắn hạn đầu tư cho trung và dài hạn, tạo ra áp lực tài chính cùng các khoản nợ. Không những thế, việc quản lý dòng tiền không tốt cũng đẩy Thái Hòa vào tình trạng thua lỗ, nợ đầm đìa.
Một chuyên gia kinh tế cho biết, việc phát triển quá nhanh, quá lớn, vượt xa tầm quản trị của doanh nghiệp, với những mảng đầu tư không phát huy hiệu quả đã dẫn tới hậu quả bi đát. Cái khó của doanh nghiệp Việt Nam là khi quyết định đầu tư hay thoái vốn, nhiều doanh nghiệp vẫn hành động theo trào lưu thị trường. Dù kết quả sẽ đau lòng, nhưng có thể, việc thoái vốn ít nhiều và công trình, dự án được giao lại cho đúng ngành khai thác sẽ phát huy hiệu quả hơn.
Hải Sơn (Tổng hợp)