Dịch vụ mặt đất sân bay - "mỏ vàng" hàng trăm tỷ thuộc về ai?

Google News

(Kiến Thức) - Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) – đơn vị sở hữu số lượng lớn tỷ lệ tại HGS và SAGS vẫn thu về kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý gần nhất.

Từ những ngày đầu tháng 9, Vietjet (VJC) đề nghị ngừng sử dụng dịch vụ của HGS và SAGS để được tự lo khâu phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ năm 2020.

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) – đơn vị sở hữu số lượng lớn tỷ lệ tại HGS và SAGS vẫn thu về kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý gần nhất.

SAGS có quý lãi cao nhất từ ngày đầu năm

CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) hiện cung cấp dịch vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Bốn năm gần nhất, SAGS ở thời kỳ kinh doanh "nở hoa" khi doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng.

Cụ thể, doanh thu của SAGS liên tục tăng từ mức 599 tỷ đồng vào năm 2015 lên mức 1.145 tỷ đồng kết thúc 9 tháng 2019. Lợi nhuận sau thuế của SAGS cũng tăng liên tiếp 4 năm liền từ mức 86,6 tỷ đồng năm 2015 lên 262 tỷ đồng 9 tháng 2019.

Riêng trong quý 3, SAGS báo doanh thu thuần 391,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính, doanh thu từ Vietjet tại sân bay Cam Ranh trong quý 3 vừa qua đạt 34 tỷ đồng, tương đương 9% tổng doanh thu của SAGS trong kỳ. Nếu tính cả hoạt động ở sân bay Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, doanh thu từ Vietjet trong quý của SAGS là 121 tỷ đồng, chiếm 31% tổng thu của Công ty.

Lãi gộp trong kỳ của SAGS đạt 142,3 tỷ đồng, tăng gần 24%. Biên lãi gộp theo đó cũng cải thiện nhẹ lên 36,4%, trong khi cùng kỳ năm trước biên lãi gộp SAGS đạt 35,9%.

Doanh thu tài chính quý 3 của SAGS đạt 3,6 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ. Chi phí phát sinh trong kỳ chủ yếu là chi phí quản lý doanh nghiệp khi tăng 27% so với cùng kỳ lên 32,5 tỷ đồng.

Kết quả, SAGS lãi sau thuế 90 tỷ đồng trong quý, tăng 20%. Mức lãi của SAGS thu về trong quý cao nhất kể từ khi Công ty này lên sàn giao dịch hồi cuối năm 2015.

Còn trong 9 tháng, SAGS báo doanh thu thuần tăng 21% lên 1.145 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 262 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Với mục tiêu cả năm đạt 1.430 tỷ đồng doanh thu và 285 tỷ đồng lãi sau thuế, sau 9 tháng Công ty hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 92% lợi nhuận.

Dich vu mat dat san bay - 'mo vang' hang tram ty thuoc ve ai?

SAGS, HGS vẫn ăn nên làm ra trước tin VietJet lập công ty dịch vụ mặt đất.

HGS cũng sẽ có tiềm năng và tăng trưởng tốt

Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) được ACV thành lập năm 2007, chuyên cung cấp dịch vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm thành lập, ACV đã dần thoái vốn tại HGS và chỉ nắm 20% cổ phần tại đây.

Tuy nhiên ảnh hưởng của ACV lên HGS vẫn không hề nhỏ. Hiện các cổ đông chi phối của HGS đều có liên quan đến đến lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc có quan hệ mật thiết với ACV.

Tới đầu năm 2018, HGS cung cấp và nắm khoảng 30% thị phần dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài, với khoảng 350-400 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.

HGS đang nắm trong tay các hợp đồng cung cấp dịch vụ với các hãng bay hàng đầu thế giới như Emirates, Turkish Airlines, Malindo Airlines, Hainan Airlines…

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Còn ở trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa Việt Nam được IATA dự báo sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới. 

Dựa vào tiềm năng lớn như vậy, ngành dịch vụ mặt đất với các dịch vụ như suất ăn hàng không, bán hàng miễn thuế, nhà hàng tại khu vực cách ly đều tăng trưởng mạnh nhờ khách quốc tế.

Đơn vị sở hữu SAGS và HGS vẫn báo lãi tốt

Khi Vietjet đề xuất lập công ty cung cấp dịch vụ mặt đất, không những SAGS và HGS bị ảnh hưởng mà ACV cũng phần nào gặp thách thức. Hiện, ACV đang khi sở hữu 48% cổ phần tại SAGS và 20% cổ phần tại HGS.

Ngoài ra, ACV còn đang quản lý 22 sân bay trên cả nước trong đó đều là các cảng hàng không đông khách như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Chu Lai…

Về tình hình làm ăn, trong quý 3, doanh thu bán hàng của ACV tăng 15% lên 4.591 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 13.517 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận gộp của ACV tăng nhẹ lên 52,5%, doanh thu tài chính đạt 573 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt gần 1.400 tỷ đồng, tăng 18,8%.

Chi phí tài chính quý này của ACV chỉ 29 tỷ đồng, trong khi 9 tháng lên tới 486 tỷ đồng, vẫn giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế quý 3/2019 của ACV đạt 2.737 tỷ đồng, tăng 18,4%. Lũy kế 9 tháng đạt gần 7.300 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuếquý 3 đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 18,4%, lũy kế 9 tháng đạt hơn 5.908 tỷ đồng, tăng 19,3%.

Anh Nhi