1. Vụ án Enron
Kenneth Lay và Jeffrey Skilling từng là CEO của công ty Enron – công ty năng lượng lớn thứ 7 ở Mỹ. Kenneth Lay và Jeffrey Skilling được coi là người có công rất lớn đối với Enron, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.
Lay đã giúp Enron trở thành nhà cung cấp gas lớn ở Mỹ năm 2000. Năm 1990, Skilling vào Enron và cũng góp công sức không nhỏ tới sự phát triển của Enron. Năm 2001, Skilling trở thành CEO còn Lay thì lên chức chủ tịch.
Tuy nhiên, sau đó Enron thông báo phá sản và đây là vụ phá sản lớn nhất nước Mỹ thời đó. Nhiều người trong ban điều hành Enron đã bị kết tội và tống vào tù. Trong đó, 2 lãnh đạo cao nhất Jeffrey Skilling và Kenneth Lay từ người hùng trở thành những “kẻ dối trá và lừa gạt vĩ đại”. Vụ phá sản này cũng khiến nhiều nhà đầu tư mất hàng tỷ
USD và khoảng 20.000 nhân viên Enron bị mất việc làm, nhiều người trong số họ mất luôn những khoản tiết kiệm cả đời vì đã góp vốn vào công ty.
Skilling và Lay bị buộc tội che giấu, làm những báo cáo giả và gian lận chứng khoán. Skilling còn bị kết tội giao dịch nội gián, phải chịu phạt 45 triệu USD và 24 năm tù. Về phần Lay, ông ta đã chết vì nhồi máu cơ tim khi nghe thấy bản án 45 tù dành cho mình.
2. Bernie Madoff
Tòa án Liên bang Mỹ đã đưa ra bản án tối đa 150 năm tù dành cho Bernard Madoff, kẻ đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt hơn 65 tỷ USD của các nhà
đầu tư.
|
Bernard Lawrence Madoff .
|
Bernard Lawrence Madoff là một doanh nhân người Mỹ, nguyên chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ. Ông sáng lập hãng Bernard L. Madoff Investment Securities LLC ở phố Wall vào năm 1960, và là chủ tịch hãng này đến ngày 11/12/2008, thời điểm ông bị bắt và bị buộc tội gian lận tài chính.
Các ngân hàng tại Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Italia, Hà Lan, Nhật Bản và một số quốc gia khác đã tuyên bố họ có khả năng mất hàng tỷ USD trong vụ lừa đảo này. Đây là vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử bị quy cho một nhân vật duy nhất.
Madoff trong một thời gian dài được nhìn nhận như một doanh nhân xuất chúng và một nhà từ thiện lớn. Việc bắt giữ Madoff và đóng cửa công ty của ông ta đã tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu và một số tổ chức từ thiện.
3. Bernard Ebbers
Trước “siêu lừa đảo” Bernie Madoff, doanh nhân kiêm cựu kiến trúc sư Canada Bernie Ebbers đã giữ danh hiệu người dính líu tới vụ bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Ebbers bắt đầu sự nghiệp với một công ty viễn thông nhỏ. Công ty này mua lại các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và cuối cùng tạo thành một trong những công ty lớn nhất trên thế giới.
Vào năm 2002, các nhà điều tra tiết lộ rằng WorldCom đã thực hiện điều được coi là gian lận kế toán lớn nhất trong lịch sử với những báo cáo kế toán sai lệch tới hơn 11 tỷ USD. Ebbers cũng bị cáo buộc rằng đã lấy hơn 366 triệu USD trong các khoản vay cá nhân từ công ty.
Đến khi vụ việc được giải quyết, cổ phiếu của WorldCom giảm mạnh từ hơn 64 USD/1 cổ phiếu xuống chỉ còn hơn 1 USD, khiến cho các cổ đông thua lỗ hơn 100 tỷ USD. Ebbers bị buộc 9 trọng tội và lĩnh án 25 năm tù giam.
Tháng 9/2006, Ebbers tự lái xe đến nhà tù bằng chiếc Mercedes mà ông sẽ không còn được nhìn thấy cho đến tận năm 2028.
4. Tyco International
Tyco International được lập lên vào năm 1960 bởi Arthur Gandua. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực hệ thống phòng cháy chữa cháy, thiết bị an ninh, và xây dựng đường ống.
Năm 2002, công ty có dính líu tới vụ bê bối khi CEO Dennis Kozlowski bị bắt giữ vì tội biển thủ hơn 150 triệu USD tiền công quỹ. Ông này đã bị kết tội biển thủ quỹ
doanh nghiệp trong phiên tòa xét xử ngày 17/6/2005 và lĩnh án 25 năm tù.
Kozlowski từng “hào phóng” chi 2 triệu USD để tổ chức một bữa tiệc sinh nhật xa hoa cho người vợ thứ hai của mình vào năm 2001.
5. Jack Abramoff
Tỷ phú người Mỹ Jack Abramoff đã phải nộp phạt 25 triệu USD và phải ngồi bóc lịch gần 6 năm vì tội lừa đảo, đưa, nhận hối lộ và trốn thuế.
Jack Abramoff, đã dính đến vụ bê bối đình đám trong chính trường Mỹ nhiều năm về trước mang tên "Jack Abramoff", với số tiền gian lận, hối lộ và trốn thuế trị giá hàng trăm triệu USD. Vụ bê bối bắt đầu nổ ra vào năm 2004, khi Bộ Tư pháp, Ủy ban Thượng viện Mỹ bắt tay tiến hành điều tra hoạt động của nhà vận động hành lang quyền lực này.
Sau 2 năm điều tra, tháng 1/2006, Abramoff đã chính thức thừa nhận 3 tội danh: âm mưu hối lộ quan chức, gian lận và trốn thuế, khiến ông ta phải chịu án 5 năm 10 tháng tù giam và khoản tiền phạt 25 triệu USD. Cuộc điều tra về Abramoff đã kéo theo sự liên đới của hàng chục nghị sĩ Mỹ.
Thảo Nguyên (tổng hợp)