Dồn dập tăng phí ATM

Google News

Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều ngân hàng lớn dồn dập tăng thu phí ATM, đối với cả ngoại mạng và nội mạng.

Việc tăng thu phí ATM sẽ khiến người dân tăng rút tiền mặt tại các ngân hàng, đi ngược với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt và ít nhiều ảnh hưởng đến việc phát triển thương hiệu của các nhà băng.
Trong tổng số khoảng 14.000 máy ATM hiện nay, Agribank chiếm 15,4% thị phần, tiếp theo là VietinBank với 13,4% thị phần và Vietcombank đứng thứ ba với 12,5% thị phần.
Trong tổng số khoảng 14.000 máy ATM hiện nay, Agribank chiếm 15,4% thị phần,  VietinBank với 13,4% thị phần và Vietcombank 12,5% thị phần - ảnh Kienthuc.net.vn

Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều ngân hàng lớn dồn dập tăng thu phí ATM, đối với cả ngoại mạng và nội mạng. Đơn cử, từ đầu tháng 4, Vietcombank đã chính thức thu phí chuyển khoản giao dịch nội mạng 3.300 đồng/lần giao dịch.

Sau đó một tháng, Techcombank cũng tăng phí rút tiền ngoại mạng từ 3.300 đồng lên gần 6.000 đồng/lần giao dịch. Phí đối với các giao dịch khác ngoài rút tiền, như kiểm tra số dư, chuyển khoản, in sao kê… tăng từ 1.650 đồng lên 3.300 đồng/lần. Tại hàng loạt ngân hàng lớn khác, như BIDV, Agribank, phí giao dịch nội mạng cũng chính thức được áp dụng.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng và Tài chính cá nhân Techcombank, cho biết: “Techcombank xác định thẻ là lĩnh vực quan trọng, trọng tâm trong phát triển hoạt động kinh doanh bán lẻ. Vì vậy, thời gian tới, ngân hàng này sẽ phát hành nhiều loại thẻ tiện ích, cao cấp, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn nữa. Tuy nhiên, để ngân hàng có nguồn đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, việc thu phí ATM là cần thiết”.

Trước đó, tại một cuộc họp của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, tất cả thành viên của hội đã đồng ý phải nâng phí rút, đặc biệt là đối với các ngân hàng lớn. Điều này là dễ hiểu, bởi hơn 40% máy ATM hiện nay thuộc về 3 ngân hàng lớn. Cụ thể, trong tổng số khoảng 14.000 máy ATM hiện nay, Agribank dẫn đầu thị trường với 15,4% thị phần, tiếp theo là VietinBank với 13,4% thị phần và Vietcombank đứng thứ ba với 12,5% thị phần.

Giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng lớn khẳng định việc thu phí ATM là không thể trì hoãn, bởi số tiền mà các ngân hàng đầu tư cho hệ thống ATM là rất lớn. Suốt một thời gian dài, ngân hàng đã chịu thiệt khi miễn thu phí ATM, nhưng giờ sức chịu đựng đã cạn. Chưa kể, việc thu phí này cũng không vi phạm luật. Theo vị lãnh đạo này, trung bình ngân hàng phải tốn 50 triệu đồng/tháng để vận hành, bảo dưỡng một máy ATM, trong khi tiền lãi từ tài khoản ATM của khách hàng rất thấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng không hề thiệt thòi, dù có miễn thu phí thẻ ATM. Ngoài khoản lãi thu được từ số dư trong tài khoản khách hàng, với xu hướng thương mại điện tử như hiện nay, tiềm năng lợi nhuận từ dịch vụ thanh toán qua thẻ là rất lớn.

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết: “ACB không đặt nặng vấn đề lợi nhuận khi đầu tư ATM. Tuy nhiên, lợi ích mà thẻ ATM mang lại rất lớn, nhất là trong việc phát triển thương hiệu của ngân hàng”.

Trên thực tế, thẻ ATM có thể không mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng, song đây là một trong những kênh quan trọng để thu hút khách hàng và là yếu tố thể hiện đẳng cấp ngân hàng.

TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Việc các ngân hàng thu phí là hợp lý. Tuy nhiên, điều này có thể khiến người dân tăng rút tiền mặt tại các ngân hàng, đi ngược với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ngân hàng cũng chưa nên áp thêm nhiều khoản phí”.

Trong khi đó, TS. Dương Hồng Phương, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) khuyến cáo, các ngân hàng nên tăng chất lượng dịch vụ thẻ. Trong đó, việc phát hành các loại thẻ đồng thương hiệu để tăng nguồn thu từ thẻ là một cách. Hiện tại, nhiều ngân hàng đã kết hợp với các công ty thuộc lĩnh vực hàng không, bán lẻ, xăng dầu… để phát hành thẻ đồng thương hiệu. Động thái này vừa góp phần khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, vừa mang lại nguồn thu không nhỏ cho các ngân hàng.

(Theo Đầu tư/ Ảnh Kiến Thức)