Khó khăn kéo dài của thị trường khiến hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) thiếu vốn triển khai, nên tất yếu làm gia tăng xu hướng mua bán dự án trong thời gian tới.
|
Mua bán dự án BĐS sẽ gia tăng trong năm nay. Ảnh: Lê Toàn |
Mua bán dự án BĐS là một hoạt động bình thường trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia BĐS, việc mua bán hiện nay có điểm khác biệt rõ nét so với hoạt động chuyển nhượng thông thường: thay vì chuyển nhượng dự án khi đã đạt lợi nhuận kỳ vọng, thì nay, nhiều dự án phải chuyển nhượng do thiếu vốn.
Tại TPHCM, thời gian gần đây đã diễn ra khá nhiều vụ chuyển nhượng dự án để giải quyết nhu cầu tài chính. Mới đây, liên doanh giữa Công ty Đức Khải và Công ty cổ phần Ô tô Phương Trang đã chuyển nhượng Dự án New Pearl (192 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cho Công ty Vạn Thịnh Phát.
Trước đó, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng cũng đã chuyển nhượng phần vốn góp tại Dự án Tân Tạo (quận Bình Tân) cho Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An với giá 68 tỷ đồng.
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh cho biết, thời gian gần đây, khá nhiều doanh nghiệp tìm đến Đất Xanh để đặt vấn đề bán dự án.
“Ngoài Dự án Five Star ở Long An đã được Đất Xanh mua từ năm 2011, vừa rồi, chúng tôi đã mua thêm 4 dự án khác”, ông Thìn chia sẻ và cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nếu có vốn, sẽ rất dễ mua được dự án tốt.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, thời gian tới, nếu thị trường không cải thiện, thì hàng loạt doanh nghiệp địa ốc sẽ phải bán tháo căn hộ hoặc bán tháo dự án để giải quyết bài toán tài chính.
“Tôi e ngại sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhân cơ hội này, ép giá mua gom các dự án và sẽ thâu tóm thị trường”, ông Đực lo lắng.
Tuy nhiên, ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) lại nhìn nhận ở một góc độ khác.
“Thời gian gần đây, chúng tôi đã tiếp rất nhiều nhà đầu tư đến từ các nước như Singapore, Philippines... nhưng họ đến chủ yếu để nắm thông tin thăm dò, chứ ít đề cập việc đàm phán mua bán”, ông Hùng nói và cho rằng, xu hướng mua bán dự án BĐS là điều tất yếu trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn, nhưng khó dẫn đến tình huống doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường, bởi bản thân họ cũng gặp khó khăn, trong khi các doanh nghiệp trong nước ít nhiều đã đổ tiền vào dự án, nên không dễ dàng chịu bán rẻ.
Còn theo ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành CBRE, không phải bây giờ, mà trước đây cũng đã từng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, khi thị trường BĐS gặp khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thâu tóm dự án, nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy.
“Trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá thấp năng lực huy động vốn của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nghĩ rằng, vào Việt Nam có thể sẽ mua lại được những dự án giá rẻ. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra”, ông Marc Towsend nói và cho biết thêm, phần lớn các thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS trong thời gian qua là chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp trong nước.
Trên thực tế, trong số 25 thương vụ mua bán dự án BĐS thời gian qua, chỉ có 3 thương vụ liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài.
Thời gian qua, không ít nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu việc mua lại dự án BĐS ở TPHCM. Lĩnh vực họ quan tâm nhiều nhất là cao ốc văn phòng.
Với các dự án nhà ở, theo giới chuyên môn, không phải nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm, nhưng vấn đề họ lo ngại là rào cản thủ tục.
Theo Luật sư Võ Hà Duyên (Công ty Luật Vilaf Hồng Đức), BĐS là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất trong các thương vụ mua bán hiện nay. Để thực hiện thành công thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS, khâu thẩm định pháp lý dự án là quan trọng nhất, quyết định đến sự thành bại của giao dịch. Thời gian qua, nhiều thương vụ mua bán được các đối tác đồng ý thực hiện, nhưng cuối cùng không thành công, vì vướng ở khâu định giá và thẩm định pháp lý.
Tương tự, ông Fraser Wilson, đại diện Quỹ BĐS của Dragon Capital tại Việt Nam cũng cho rằng, tiềm năng phát triển BĐS Việt Nam còn rất lớn. Sẽ có nhiều cơ hội hơn cho người có nhiều tiền mặt để sở hữu những dự án căn hộ tốt, thậm chí mua lại các dự án mà các chủ đầu tư gặp khó về vốn. Song vấn đề định giá đang là rào cản quan trọng.
Theo Tăng Triển
Báo Đầu tư