Đừng để vỡ nợ mới “thắt lưng buộc bụng”

Google News

(Kiến Thức) - Theo bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, chi tiêu công phải giảm một cách quyết liệt.

Chuyện thường niên
- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh vừa cho biết, cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi năm chi phí cho xe công cả nước vào khoảng 12.800 tỷ đồng, nếu so với con số phân bổ ngân sách còn lại của Việt Nam hiện nay thì chiếm tới 1/4, con số này khiến nhiều người giật mình. Ở góc độ là một chuyên gia kinh tế, bà có thấy đáng lo trước thực trạng này?
- Thực ra thì ngân sách năm nào chẳng đáng lo ngại. Cứ cuối năm là chi tiêu dồn dập, thì câu chuyện này cũng là chuyện thường niên. Trước bối cảnh đó thì Chính phủ phải điều chỉnh chi tiêu công, phải giảm chi tiêu công đi, giảm mua sắm công, giảm xe công một cách hợp lý. Các chuyên gia đã kiến nghị đủ cả, với rất nhiều biện pháp khác nhau, chỉ có điều Chính phủ có thực hiện hay không, thực hiện như thế nào mà thôi.
Dung de vo no moi “that lung buoc bung”
Bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng.
- Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như thế, chắc hẳn Chính phủ phải rất quyết tâm?
- Tôi nghĩ là Chính phủ sẽ phải làm thôi. Đã đến lúc phải giảm chi tiêu công đi, giảm bớt những chuyến đi công tác nước ngoài tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền ngân sách đi. Đó là những việc trong tầm tay của Chính phủ.
- Liệu chúng ta có rơi vào kịch bản vỡ nợ như Hy Lạp với những dữ liệu kinh tế này?
- Tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ điều hành bội chi ngân sách theo đúng chỉ tiêu Quốc hội đưa ra, tức là 5% trở xuống. Chính phủ sẽ tìm mọi cách để điều hành, nếu khó khăn thì phải giảm chi tiêu nào không ảnh hưởng đến phát triển chung, không ảnh hưởng đến đời sống.
- Với ngân sách eo hẹp như thế thì làm thế nào để không tạo ra sự xáo trộn mà vẫn có nguồn thu?
- Tôi không biết Chính phủ sẽ làm thế nào, nhưng ngân sách càng eo hẹp thì càng phải cân nhắc chi cái gì, chi vào đâu cho có hiệu quả, để nguồn vốn ít ỏi không bị thất thoát.
Kỷ luật không nghiêm thì lãng phí
- Theo bà, trong chi tiêu công, lãng phí cho những khoản chi chưa thực sự cần thiết, không hiệu quả có nhiều không?
- Nhiều chứ. Quốc hội họp lần nào chẳng bàn luận vấn đề đó. Lãng phí được phản ánh đầy trên các mặt báo, người dân cũng kêu rầm đấy thôi. Nhà máy bao nhiêu tỷ đồng đắp chiếu, thất thoát bao nhiêu... Nói nhiều, kêu nhiều mà chưa sửa được bao nhiêu.
- Vì sao nói nhiều, kêu nhiều mà vẫn thế?
- Có thể khi đề ra dự án thì không lường trước được, người duyệt dễ dãi, kỷ luật ngân sách không nghiêm, giám sát buông lỏng. Không khó để tìm ra nguyên nhân, khắc phục được nguyên nhân thì lãng phí sẽ giảm đi. Nhưng khắc phục không dễ.
Cá nhân tôi thấy ở câu chuyện này ví dụ về xe công, đã nói rất nhiều về sự lãng phí ấy mà đến giờ vẫn thế. Tôi thấy khó hiểu!
Thì các Bộ không muốn giảm, trung ương nói mà địa phương không nghe... Chung quy là vì kỷ luật không nghiêm. Còn giải pháp thì nhiều lắm, có thiếu đâu. Phải nói là mấy chục năm nay chúng ta nói rồi, chứ không phải là vài năm nay. Nhưng người ta không muốn làm. Siết lại xe công thì quan chức thấy gò bó, đi xe công chung với người khác thì bất tiện, mỗi lần gọi xe lại phải qua đội xe chứ không phải chỉ cần alo cho lái xe là đi... Quan trọng là người ta không thích, không muốn.
- Thực ra trước đây Đà Nẵng đã từng làm được việc là lập đội xe chung của thành phố để tiết giảm nhân sự, chi phí, vì sao ta lại không nhân rộng được?
- Tôi cũng không hiểu vì sao có nơi làm được mà nơi khác lại không làm được.
- Vậy trong bối cảnh nào mới thay đổi được điều đó? Hay là phải dồn vào con đường vỡ nợ đến nơi thì mới thắt chặt được?
- Đó là bài học ở các nước châu Âu, đến khi vỡ nợ thì mới thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Nếu chúng ta không muốn đi theo con đường đó thì ngay từ bây giờ phải “gỡ” dần đi.
- Tình hình kinh tế của chúng ta đã đến mức nguy hiểm chưa?
- Thực ra thì không ai biết đến lúc nào thì nguy hiểm cả. Chỉ có điều mình có giải pháp ngăn chặn sớm thì không sa vào. Những nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha họ cũng biết rằng vỡ nợ là nguy hiểm lắm chứ, nhưng họ đâu có lường được hậu quả như thế nào và cũng không nghĩ là sẽ vỡ nợ.
Nhà nước thoái vốn để tư nhân phát triển
- Vừa rồi Chính phủ quyết thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn đang làm ăn có lãi. Có người đặt câu hỏi phải chăng vì ngân sách khó khăn quá mà phải làm thế để có tiền chi tiêu công, bà nghĩ sao?
- Tôi nghĩ đây là một việc có tác động tốt tới nền kinh tế và chúng ta cũng đã chủ trương làm rất lâu rồi. Nhiều người tưởng như thế là Chính phủ thiệt, nhưng thực ra không phải thế. Thoái vốn thì vốn đó lại sử dụng vào những chi tiêu công khác, tạo ra công ăn việc làm, thuận lợi cho người dân. Ngân sách có thể thiệt thòi một chút nhưng lại có lợi cho chi tiêu công.
- Vì sao Nhà nước lại thoái vốn ở những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi thưa bà?
- Doanh nghiệp đó đang làm ăn có lãi thì tức là ở những lĩnh vực đó, tư nhân làm tốt, kinh doanh tốt. Vậy thì hãy tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển như kỳ vọng của Nhà nước trong dự thảo Văn kiện Đại hội 12. Miếng bánh của Chính phủ có thể nhỏ đi, miếng bánh của tư nhân sẽ lớn hơn, nhưng trong phần lớn hơn đó cũng có phần của Chính phủ. Đó là mong mỏi từ rất lâu rồi, giờ làm được cũng là hợp với quy luật phát triển chung.
- Vậy là quan điểm thoái vốn để lấy tiền chi tiêu công là không đúng?
- Không phải như thế, thoái vốn là chính sách kinh tế đúng đắn, Nhà nước giảm can thiệp vào thị trường để cho tư nhân tham gia. Đó là quy luật kinh tế thị trường rồi.
“Thế mà cũng nghĩ ra được!”
- Điều gì quyết định kinh tế sẽ vượt qua được khó khăn?
- Bộ máy lãnh đạo phải có bản lĩnh, họ phải bắt mạch được nền kinh tế, có bản lĩnh để thi hành những biện pháp khắc khổ ngay từ khi có mầm mống của chi tiêu công vượt quá giới hạn. Phải tỉnh táo và có giải pháp ngay.
- Như bà nói, ở Việt Nam, tình trạng lãng phí chi tiêu công khá phổ biến, người quản lý có biết điều này?
- Tôi nghĩ là họ biết cả chứ, họ chính là người ban hành chính sách. Khi họ không muốn nhận phần khó về mình thì họ sẽ không thi hành những chính sách khó khăn ấy, họ sẽ biện ra nhiều lý do khác nhau để không làm.
- Trong khi ngân sách khó khăn như thế thì những công trình lãng phí, không thiết thực có lẽ phải nằm trong danh sách gạch bỏ đầu tiên?
- Những sân vận động cả trăm tỉ bỏ không, tượng đài hàng trăm tỉ, nhà văn hóa cũng tiền tỉ đóng cửa... Người ta nói với nhau rằng “Thế mà cũng nghĩ ra được!”. Có tỉnh thường xuyên phải trợ cấp từ ngân sách gấp mấy lần thu trên địa bàn, mà cũng nghĩ ra được cái tượng đài hàng bao nhiêu tỷ đồng. Thế thì không còn gì để nói nữa rồi.
- Việc chi vào hạng mục nào, trong những câu chuyện ấy, hẳn không phải là chuyện luật, quy định?
- Đúng thế, nó phụ thuộc vào bản lĩnh, cái tâm của người lãnh đạo, cái đạo đức của lãnh đạo chứ không phải chuyên môn nghiệp vụ, quản lý. Đó là vấn đề con người. Dùng “tiền chùa” bao giờ cũng dễ, mà chẳng ai muốn chọn con đường khó. Nên sự nghiệp đó trông chờ cả vào các vị lãnh đạo thôi. Cán bộ có tâm, có tầm thì dân được nhờ.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Từ trước đến giờ, dường như người ta không thấy vụ nào mà người chi tiêu công lãng phí bị xử lý. Là bởi trong mọi vấn đề đều là ý kiến của tập thể chứ không phải cá nhân. Bởi thế mà chỉ rút kinh nghiệm thôi chứ khó xử lý. Đó là vấn đề của thể chế. Mà để thay đổi thì còn phải mất nhiều thời gian nữa.
Tô Hội