Thông tin mà Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra về con số thua lỗ của EVN khiến dư luận choáng váng. Cụ thể, theo kết luận thanh tra, tính hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư ngoài ngành trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài ngành vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm nghìn tỷ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà còn lỗ đến 2.195 tỷ đồng. Những con số này cho thấy việc đầu tư ngoài ngành của EVN không hề mang lại hiệu quả, thậm chí còn "biếu không" các đơn vị khác cả chục nghìn tỷ đồng, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Tính ra, EVN đã "nướng" hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các lĩnh vực ngoài ngành như: viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm...
EVN "biếu không" Viettel gần 10.000 tỷ đồng
Việc sáp nhập EVN Telecom vào Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) khiến EVN càng lộ rõ con số lỗ lớn. EVN Telecom là mạng di động của EVN, sở hữu đầu số 096, băng tần thấp và khả năng nhiễu sóng cao. Vì thế, sau gần 7 năm triển khai, EVN Telecom rơi vào tình cảnh rất khó khăn, lượng thuê bao phát triển thấp, doanh thu cũng không đạt được mức kỳ vọng. EVN Telecom lúc đó nợ tiền rất nhiều đối tác trong đó có Viettel và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
|
EVN đã mất hàng nghìn tỷ đồng khi đầu tư vào EVN Telecom. Ảnh: Internet. |
Theo báo
Tuổi Trẻ, đến thời điểm bàn giao tài sản cho Viettel, EVN đã đầu tư vào EVN Telecom hơn 2.425 tỷ đồng và EVN Telecom đã lỗ đến gần 3.000 tỷ đồng dẫn đến việc mất vốn nhà nước toàn bộ số tiền đã đầu tư. Nguyên nhân thua lỗ được xác định do lãnh đạo EVN và EVN Telecom đã có khuyết điểm trong việc tổ chức nghiên cứu đánh giá, lựa chọn công nghệ, mô hình tổ chức kinh doanh chưa phù hợp, các tổng công ty điện lực vừa kinh doanh điện vừa kinh doanh viễn thông nên không chuyên nghiệp.
Mặc dù thua lỗ như vậy, nhưng EVN không nỗ lực để cắt giảm thua lỗ, bù lại những thiệt hại cho Nhà nước trong việc chuyển giao EVN Telecom cho Viettel mà còn thỏa thuận không thu phí trong vòng 30 năm đối với toàn bộ hệ thống cáp viễn thông chuyển giao sang Viettel, các tuyến cáp của Viettel đã, đang và sẽ triển khai trong toàn bộ hệ thống cột điện của EVN trong hiện tại và tương lai. Thỏa thuận này đã tạo điều kiện cho Viettel giảm được giá thành dịch vụ viễn thông, tăng doanh thu tương ứng trên 354 tỷ đồng/năm (hơn 10.628 tỷ đồng trong 30 năm).
Cũng trong việc thực hiện việc chuyển giao EVN Telecom, tính đến thời điểm thanh tra, Viettel chưa chi trả cho EVN khoản công nợ theo các cam kết của hợp đồng đã ký với số tiền hơn 11.000 tỷ đồng. Theo thỏa thuận này, Viettel phải chi trả trong năm năm, vào ngày 31/3 hằng năm.
Đầu tư mạnh vào chứng khoán
Năm 2007, 4 đơn vị thuộc EVN đã cùng nhau góp vốn với Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Thành (mã chứng khoán: HASC), với 16,5% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, HASC là trường hợp nặng nhất trong số 10 công ty chứng khoán yếu kém nhất. Công ty này đã bị Ủy ban Chứng khoán Việt Nam liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt vào giữa năm 2011.
Trước đó, ông Trương Duy Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Thành đã bỏ trốn cùng số tiền trên 100 tỷ đồng từ tháng 4/2011.
Không chỉ đầu tư vào Chứng khoán Hà Thành, EVN còn rót gần 115 tỷ đồng nắm 28,9% cổ phần của Chứng khoán An Bình (mã chứng khoán: ABS).
Hoạt động của ABS không có nhiều nổi bật so với các công ty chứng khoán khác. Đến hết quý 2 năm 2013, công ty này có khoản lỗ lũy kế hơn 23 tỷ đồng.
"Nướng" nghìn tỷ đồng vào tài chính - ngân hàng
Ngoài 2 lĩnh vực trên, EVN còn đầu tư lớn vào lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, EVN là cổ đông lớn của Ngân hàng An Bình (ABBank) với tỷ lệ nắm giữ là 21,27%. Lượng cổ phiếu này có giá trị theo mệnh giá là 1.020 tỷ đồng.
EVN đang nỗ lực thoái vốn khỏi ngân hàng này. Tháng 7 năm nay, EVN đem đấu giá 1/4 lượng cổ phiếu ABBank đang nắm giữ nhưng không có ai đặt mua. Lý do một phần xuất phát từ việc EVN chỉ chấp nhận bán cả 25 triệu cổ phiếu, không bán lẻ. Mặt khác, giá chào bán 10.000 đồng cao hơn nhiều so với mức giá bán cổ phiếu quỹ 6.000 đồng/cp mà ABBank thực hiện hồi đầu năm.
|
EVN đang thoái vốn ABBank. Ảnh: Internet. |
Nửa đầu năm 2013, ABBank thông báo đạt 214 tỷ đồng LNTT cùng tổng tài sản đạt hơn 50.000 tỷ đồng.
Bên cạnh khoản đầu tư vào ABBank, EVN còn thành lập một tổ chức tín dụng khác là Công ty Tài chính Điện Lực (EVN Finance) với tỷ lệ sở hữu là 40%, tương đương 1.000 tỷ đồng. Đây là một công ty vào loại lớn nhất trong số các công ty tài chính đang hoạt động.
Vung hàng trăm tỷ đồng vào bất động sản
Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (EVN Land Saigon) là một công ty bất động sản có vốn điều lệ thực góp 518 tỷ đồng, hoạt động tại TP.HCM.
EVN cùng 4 đơn vị thành viên là Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Điện lực Hải Dương đang nắm giữ 44,3% cổ phần của công ty này; tương ứng lượng cổ phiếu có mệnh giá 230 tỷ đồng. Trong đó riêng EVN góp 27 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực TP.HCM góp nhiều nhất, với 135 tỷ đồng.
|
Phối cảnh dự án Chung cư Linh Trung, một dự án của EVN Land Saigon. Ảnh: Internet. |
Một số dự án do EVN Land Saigon thực hiện là Chung cư Linh Trung (quận Thủ Đức), Cao ốc căn hộ Ngọc Lan (quận 7)...
Tương tự như ở TP.HCM, EVN cũng thành lập nên một công ty bất động sản là Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (EVN Land Central) với vốn điều lệ 209 tỷ đồng.
EVN và 3 công ty thành viên góp 158 tỷ đồng, chiếm 75,5% vốn; trong đó EVN góp 76,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây, EVN cho biết đang tập trung thoái vốn khỏi các công ty này.
Tham vọng cả lĩnh vực bảo hiểm
EVN đã góp 125 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC). EVN cho biết số này chiếm 22,5% vốn của Bảo hiểm Toàn Cầu và sẽ rút về dưới 20% trong vòng từ nay năm 2012 đến năm 2015. Phó tổng giám đốc EVN trần tình, thực tế thì GIC vẫn hoạt động tốt và đang bán được cổ phiếu cho một đối tác là công ty bảo hiểm ở Đức.
Ngày 6/6 vừa qua, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức đấu giá bán 1 triệu cổ phần của EVN tại GIC. Giá khởi điểm là 26.000 đồng/cổ phần.
Hiện EVN đang nỗ lực thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành để dần hoàn thiện quá trình tái cơ cấu tập đoàn.
Hải Sơn (tổng hợp)