Gần 21 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân: Buồn hay vui?

Google News

Năm 2013, Việt Nam giải ngân được hơn 5,1 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tăng 23% so với năm trước. Dẫu vậy, tổng vốn ODA chưa giải ngân ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, lên tới gần 21 tỷ USD.

Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA (được hiểu là nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với các nước kém hoặc đang phát triển) mới đây đã công bố số liệu đáng chú ý. Theo đó, năm 2013, Việt Nam giải ngân được hơn 5,1 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tăng 23% so với năm trước. Dẫu vậy, tổng vốn ODA chưa giải ngân ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, lên tới gần 21 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia lo ngại sự chậm trễ trong việc giải ngân sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện có đơn thuần dừng ở đó?
Giải ngân chậm vì xung đột lợi ích bên trong?
Theo số liệu của hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA thì năm 2013 Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều dự án ODA từ các tổ chức quốc tế. Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ giải ngân lớn nhất với 1,7 tỷ USD, tiếp đến là Ngân hàng Thế giới (WB) với 1,35 tỷ USD và ngân hàng Phát triển châu á (ADB) với khoảng 1,3 tỷ USD. Theo đánh giá của bộ Kế hoạch & Đầu tư thì năm 2013 Việt Nam giải ngân được 5,1 tỷ USD nhưng số vốn bị tồn, không giải ngân được vẫn rất lớn, lên tới gần 21 tỷ USD.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, dù lượng vốn ODA giải ngân tăng so với năm trước nhưng chưa đáng tự hào, bởi số vốn bị tắc nghẽn ngày càng tăng lên, tạo áp lực lớn. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận việc quản lý và sử dụng vốn ODA vẫn còn nhiều hạn chế như: Báo cáo khả thi không đạt chất lượng, nhiều dự án gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng khiến tiến độ thực hiện chậm, năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế... Theo Bộ này thì đây là những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA.
Điều đáng nói, trong số những bộ có tiến độ giải ngân chậm nhất thì Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đứng đầu. Tất nhiên, những lời giải thích được đưa ra để biện hộ cho sự chậm trễ này không làm hài lòng dư luận.
TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Chính trị Thế giới cho biết: "Nguyên nhân các bộ này đưa ra để giải thích cho việc giải ngân chậm, thực ra đều là những nguyên nhân tồn tại từ trước đó rất lâu rồi. Vấn đề là tại sao họ không tập trung giải quyết những tồn đọng đó? Theo tôi, vấn đề không chỉ xuất phát từ phía Việt Nam mà còn xuất phát từ bên đối tác. Nếu bên đối tác cảm thấy chúng ta "giải ngân một cách tù mù", không kiểm soát được thì họ sẽ không đồng ý cấp vốn, vì họ muốn một thủ tục rõ ràng hơn. Trong khi phía ta, nếu giải ngân minh bạch quá thì lại bất lợi cho một nhóm lợi ích nào đó. Giữa một bên muốn minh bạch tất cả và một bên lại không muốn điều đó, chắc chắn sẽ dẫn tới việc tranh luận kéo dài. Nếu thực sự chúng ta muốn cải cách những thủ tục thì chuyện sẽ không phức tạp như mọi người vẫn nghĩ. Bởi vậy, tôi cho rằng, lợi ích vẫn là thứ chi phối chính và góp phần tạo nên sự chậm trễ trong việc giải ngân".
Việc giải ngân nguồn vốn ODA của chúng ta vẫn còn chậm vì có nhiều nguyên nhân cần bàn thảo kỹ lưỡng. 
TS. Sơn cũng cho biết thêm: "Vấn đề tồn đọng vốn ODA thực ra không mới. Chúng ta đã nói tới quá nhiều những nguyên nhân cản trở quá trình giải ngân như thủ tục hành chính rườm rà, giải phóng mặt bằng còn khó khăn, năng lực quản lý yếu kém... Tuy nhiên, việc tồn đọng số vốn lớn như vậy bên cạnh những nguyên nhân kể trên, theo tôi nằm ở động lực trong nền kinh tế. Trước đây, khi nền kinh tế phát triển tốt, đặc biệt là sự phát triển sôi động của thị trường bất động sản thì việc giải ngân có tiến triển hơn. Bởi lẽ, nguồn vốn ODA chủ yếu được đầu tư vào để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông... Vì thế, nhiều doanh nghiệp rất mong muốn dự án được triển khai nhanh chóng nhằm tận dụng thời cơ để kiếm lợi từ đất đai. Tuy nhiên, với thị trường bất động sản ảm đạm như hiện nay thì rõ ràng nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà nữa. Vấn đề ở đây là nếu làm nhanh thì động cơ về kinh tế như đã nói ở trên đã không còn, trong khi thủ tục hành chính quá phức tạp, khó hiểu. Thế rồi, lực lượng làm kinh tế liên quan tới vấn đề này cũng phải nghe ngóng, nếu cứ nhắm mắt làm, khi xảy ra vấn đề gì thì trách nhiệm họ sẽ không gánh nổi. Sự tổng hợp rất nhiều nguyên nhân, theo tôi đã dẫn đến việc tồn đọng vốn ODA lớn như thế".
...Nhưng ODA không phải "vốn trời cho"
Mặc dù thừa nhận những góc khuất trong vấn đề giải ngân ODA ở Việt Nam nhưng GS. Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại cho rằng: "Nếu chỉ nói tới vấn đề giải ngân không thôi thì tôi cho rằng, nó không nói lên được điều gì cả. Chúng ta phải đề cập trong tổng thể bối cảnh và tính hợp lý của nó. Nói tới ODA, chúng ta phải đề cập đến ba vấn đề là sự viện trợ của các tổ chức quốc tế (như WB, ADB...), viện trợ song phương (nhận viện trợ từ các nước khác) và vấn đề giải ngân. Tất nhiên, việc chậm giải ngân phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng là khả năng hấp thu của nền kinh tế Việt Nam. Cho tới giờ, bình quân chúng ta giải ngân được khoảng 2,5 tỷ USD/năm, cộng với khoảng 9 tỷ USD đầu tư FDI và thêm khoản đầu tư gián tiếp qua chứng khoán. Tôi tính tổng vốn đầu tư nước ngoài vào khoảng 11 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam đang giảm đầu tư xã hội xuống còn 30% GDP (vào khoảng gần 40 tỷ USD). Vậy, nếu so sánh con số 11 tỷ USD kia thì nó chiếm tới 30% tổng vốn đầu tư xã hội (trong số gần 40 tỷ USD vốn đầu tư xã hội). So với nhiều nước khác trong khu vực thì con số này là khá cao chứ không hề thấp. Chính vì thế mới nói, đề cập tới vấn đề này, ta phải xét tới khả năng hấp thu của nền kinh tế. Vốn ODA là rất cần nhưng chúng ta cũng cần phải khuyến khích đầu tư trong nước, kích thích nguồn vốn trong nước để đầu tư".
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Mại thì vấn đề không chỉ dừng ở đó. Bởi lẽ, nguồn vốn ODA không phải là "vốn trời cho" mà chỉ là vốn vay ưu đãi. Khi một nước tài trợ ODA cho chúng ta nghĩa là họ phải được những lợi ích nhất định, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, khi Nhật Bản tài trợ vốn cho chúng ta thì họ phải được thầu những dự án nào đó. Toàn bộ gói thầu sẽ do bên họ đảm nhiệm và những vật liệu cần thiết cho công trình đó, chúng ta phải mua giá cao hơn 15%. Vì thế, chúng ta cần phải xem ODA là một món nợ và phải xem xét hết sức cẩn thận trước khi chấp nhận. Nếu không, con cháu chúng ta phải còng lưng trả nợ chứ đừng nghĩ rằng, nhiều vốn đầu tư ODA là chúng ta có lợi. Vì thế, con số 21 tỷ USD chậm giải ngân không có gì nghiêm trọng. Tất nhiên, một nước đang phát triển như Việt Nam rất cần ODA nhưng cách sử dụng và lựa chọn nó như thế nào rõ ràng là một thách thức không hề nhỏ.
GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 
Bàn tới những yếu tố ảnh hưởng tới việc chậm giải ngân 21 tỷ USD, GS. Nguyễn Mại phân tích: "Ảnh hưởng tới việc giải ngân chậm có hai yếu tố là yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong. Khi đối tác muốn viện trợ vốn cho Việt Nam thì phải trải qua nhiều giai đoạn. Từ khi cam kết cho tới ký hợp đồng, rồi từ ký hợp đồng cho tới giải ngân còn nhiều vấn đề phức tạp và bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố. Khi đối tác phát hiện ra những yếu tố "có vấn đề" thì họ sẽ dừng viện trợ để xác minh lại ngay. Còn, yếu tố bên trong thì chúng ta đã nói tới rất nhiều. Tôi chỉ lưu ý thêm vấn đề, do ngân sách của chúng ta hạn chế. Bởi lẽ, trong khoản vốn ODA có một khoản gọi là vốn đối ứng do Chính phủ trả (nó chiếm khoảng 20% tổng số tiền đầu tư). Trong khi, Chính phủ còn rất nhiều dự án khác nên thiếu vốn là điều dễ hiểu. Điều này cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến việc giải ngân chậm. Tất nhiên, tôi không phủ nhận những tiêu cực trong quá trình giải ngân, nhưng chúng ta cũng nên xem xét vấn đề một cách khách quan hơn".
Cần tính toán lại việc nhận vốn ODA
TS. Bùi Ngọc Sơn chia sẻ: "Dự án ODA vào Việt Nam nhiều như vậy, chúng ta không giải ngân kịp sẽ làm ảnh hưởng tới nền kinh tế, mà trước mắt là những khoản nợ quốc gia. Vì thế, điều quan trọng là phải cân nhắc, xem xét các dự án ODA nào thật sự cần thì mới cho đầu tư chứ không nên nhận viện trợ tràn lan như hiện nay".
Theo ĐSPL