Giá trị “con bò sữa tỷ đô” Vinamilk còn nằm ở đâu?

Google News

Trong một tháng qua, câu chuyện thoái vốn tại “con bò sữa tỷ đô” Vinamilk đã gây không ít ồn ào trên các phương tiện truyền thông Việt Nam.

Với bất cứ một doanh nghiệp nào, vai trò của ban lãnh đạo đóng vai trò sống còn tới sự phát triển cũng như giá trị của doanh nghiệp. Nhà đầu tư trông vào ban lãnh đạo công ty để “bỏ thóc”. Với trường hợp của Vinamilk điều đó lại càng đúng.
Trong một tháng qua kể từ khi Chính phủ tuyên bố thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp nhà nước lớn đang ăn nên làm ra, trong đó có Vinamilk (VNM), câu chuyện thoái vốn tại “con bò sữa tỷ đô” VNM đã gây không ít ồn ào trên các phương tiện truyền thông Việt Nam. Thậm chí, chuyện này còn được đưa ra bàn ngay tại nghị trường Quốc hội. Đã có những tuyên bố “khủng” của một số quan chức, nhà nghiên cứu và giới đầu tư. Tuy vậy, việc thoái vốn như thế nào, bao giờ thoái, ai mua, sử dụng tiền thu được ra sao … vẫn còn đang được bàn, và tất cả còn phải chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ sau khi Bộ Tài chính và SCIC trình lên. Có một điều lạ là hầu như không thấy có ý kiến nào về vai trò của ban điều hành VNM đối với quá trình thoái vốn này như thế nào.
Gia tri “con bo sua ty do” Vinamilk con nam o dau?
 
Đối với bất kể công ty nào và ở đâu, khi nhà đầu tư định đầu tư vào công ty đó thì họ đều phải quan tâm đến đội ngũ quản lý, đặc biệt là vai trò của “thuyền trưởng” (tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị) và hoạt động kinh doanh của công ty đó. Cứ theo sách vở và kinh nghiệm kinh doanh thì thà đầu tư vào công ty có đội ngũ quản lý hạng A và sản phẩm hạng B chứ không nên đầu tư vào công ty có sản phẩm hạng A nhưng đội ngũ quản lý lại là hạng B. Nhà đầu tư/cổ đông sẵn sàng “liên minh” với những lãnh đạo giỏi của công ty và tìm mọi cách giữ chân họ (bằng lương bổng, cổ phiếu thưởng tùy theo thành thích và kết quả kinh doanh). Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp càng tốt thì lợi ích của “thuyền trưởng” và ê-kip càng lớn, có thể là một phần không nhỏ của “chiếc bánh” lợi nhuận mà công ty làm ra. Nếu không thì nguy cơ việc “thuyền trưởng” và thủy thủ đoàn đi tìm một “bến bờ mới” là cao.
Đối với trường hợp của VNM, điều này không phải là ngoại lệ. Có chăng ngoại lệ ở đây là việc công ty này vừa có đội ngũ lãnh đạo và “thuyền trưởng” hạng A, lại vừa sở hữu sản phẩm cũng… hạng A. Một ngoại lệ khác là mặc dù tập thể và cá nhân ấy đã cùng xây dựng một công ty có vốn hóa thị trường chưa đến 100 triệu USD khi cổ phần hóa (năm 2003) thành “con bò sữa tỷ đô”, mà nếu tính theo định giá “tin đồn F&N” mới đây còn lên đến gần 10 tỷ USD, rõ ràng họ chưa được đổi xử một cách tương xứng. Với 0,27% cổ phiếu đang sở hữu, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM, có lẽ là người được tưởng thưởng vào loại tệ nhất trong giới kinh doanh trên thế giới dựa trên thành tích kinh doanh. Không năm nào SCIC bỏ phiếu ủng hộ cho việc phát hành cổ phiếu thưởng cho ban lãnh đạo VNM. Giả sử, nếu SCIC bỏ phiếu ủng hộ việc đó suốt mấy năm vừa qua thì có lẽ “con bò sữa chục tỷ đô” này bây giờ còn có giá trị cao hơn nhiều, và ai được lợi thì …ai cũng biết. Có gợi ý là SCIC có thể “bù lại” bằng việc cam kết dành một tỷ lệ nhất định số tiền thu được từ thoái vốn đó để thưởng cho ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên VNM –những người chung tay xây dựng nên VNM ngày nay, bởi làm như vậy cũng chính là làm cho VNM “có giá” hơn. Đấy là sự khôn khéo của người bán và chắc người mua cũng sẽ ủng hộ, thay vì “tận thu, tận diệt”.
Gia tri “con bo sua ty do” Vinamilk con nam o dau?-Hinh-2
Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk là người Việt Nam duy nhất đoạt giải trong lĩnh vực “Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp” của Giải thưởng Nikkei châu Á. 
Ngược lại với những tranh luận và phát biểu ồn ào của các bên được báo chí trích dẫn là sự im lặng của vị “thuyền trưởng” VNM, một người khá kiệm lời và khó tiếp cận đối với giới báo chí. Với tình hình hiện nay, các nhà đầu tư cũng như công chúng chắc chắn muốn được nghe các phát biểu chính thức của bà và ban lãnh đạo VNM.
Còn nhớ những ồn ào xung quanh việc SCIC dự định thay thế bà và sự phản đối của các nhà đầu tư nước ngoài trước đại hội cổ đông VNM năm 2015. Có người hỏi tại sao các cổ đông này lại muốn giữ bà Liên đến thế? Chắc các nhà đầu tư chuyên nghiệp đó biết phải làm gì để giá trị cổ phiếu của mình ngày một tăng và sinh lời bền vững. Cũng chính họ đã thể hiện sự lo lắng khi bà Liên công bố “dự tính nghỉ hưu” vào năm 2016. Nếu “nghỉ hưu”, ở tuổi 63 đầy sức lực và kinh nghiệm kinh doanh và một ê-kip tận tụy và tài năng như vậy, không khó để bà tìm được một bến đỗ mới để xây dựng một doanh nghiệp tỷ đô khác. Đó cũng là lẽ thường tình, bởi trong bối cảnh nhân tài trong kinh doanh “như lá mùa thu” như hiện nay thì họ đều được trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng, các công ty “săn đầu người” và các ông chủ khôn ngoan sẽ tìm đến họ.
Nói vậy để thấy, một trong những rủi ro lớn mà các nhà đầu tư hiện thời và tương lai phải cân nhắc là cam kết lâu dài của “thuyền trưởng” và ê-kip lãnh đạo VNM trước khi họ quyết định có nên đầu tư vào công ty này hay không, đầu tư bao nhiêu, ở mức giá nào và trong thời gian bao lâu. Với các cổ đông hiện thời, đó là việc bà Liên và ê-kip đi hay ở. Nhưng làm sao mà “thuyền trưởng” cam kết được khi chưa biết cổ đông sắp tới là ai và liệu có thống nhất được không, hay lại “cơm chẳng lành, canh không ngọt” như vừa mới đây? Suy cho cùng, bà Liên hiện cũng chỉ là …người làm thuê, nếu không được trân trọng thì chuyện “vui thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp đi” rất dễ xảy ra. Và nếu dự định nghỉ hưu vào năm 2016 của bà Liên trở thành hiện thực, thì chắc nhiều nhà đầu tư sẽ phải nghĩ đến việc tìm cửa “thoát hiểm” sớm.
Nếu ban lãnh đạo công ty không được có tiếng nói trong việc lựa chọn nhà đầu tư tương lai, xác định xem họ có lợi ích song trùng với VNM hay không, có giúp VNM trở thành một thương hiệu Việt lớn và mạnh hơn hay không,hay chỉ là hành động thâu tóm của hãng sữa đối thủ để rồi dần sóa xổ VNM và thay vào đó là một thương hiệu nước ngoài, thì việc đi hay ở của bà Liên và ê-kip cũng là chuyện đáng phải cân nhắc, vì lợi ích của chính bà và đồng sự.
Tất cả còn đang ở phía trước và SCIC cũng như Chính phủ có lẽ cũng đã tính đến những điều này.
Theo Doanh Nhân