Hàng loạt "tàu ma" sắp bị phá dỡ

Google News

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải về việc xử lý, phá dỡ tàu cũ neo đậu dài ngày.


Hiện cũng có nhiều con tàu cũ của Vinashin, Vinalines lại mang “quốc tịch” ngoại cũng đang lênh đênh và xin được phá dỡ ở các vùng biển quốc tế.
Tàu mang cờ quốc tịch ‘ngoại’ vướng
Những con tàu biển cũ neo đậu dài ngày gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải tại vùng biển Việt Nam.
Hiện trên toàn quốc có hàng trăm doanh nghiệp trong nước đang sở hữu những con tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài đã quá tuổi sử dụng nhưng không được phá dỡ do vướng cơ chế.
Chủ sở hữu của những con tàu này chỉ còn cách “đắp chiếu”, thả tàu trôi nổi trên sông biển hoặc có đơn vị “mạnh dạn” phá dỡ tàu chui dù biết vi phạm pháp luật.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và UBND các địa phương liên quan tổ chức kiểm tra các tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài đang neo đậu dài ngày tại Việt Nam và chủ tàu xin được phá dỡ tại Việt Nam, kiến nghị xử lý từng trường hợp.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng quy chế quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo thống kê của cảng vụ hàng hải, hiện có khoảng 100 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam (với tổng số trọng tải hơn 1 triệu DWT, chiếm 14% tổng số trọng tải đội tàu Việt Nam) đang neo đậu dài ngày trong vùng nước các cảng biển trong nước và cả nước ngoài.
Tàu của Việt Nam cũng tắc
Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, có tổng cộng 53 tàu biển (tổng tải trọng 673.500 DWT, tương đương khoảng 10% năng lực đội tàu quốc gia) thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng không còn khả năng khai thác.
Hiện có 7 con tàu của Việt Nam đang lênh đênh trên biển ngoại nhưng không thể sử dụng hoặc phá dỡ 
Hiện có 7 con tàu của Việt Nam đang lênh đênh trên biển ngoại nhưng không thể sử dụng hoặc phá dỡ
41 trong số này neo trong nước và 12 chiếc khác nằm ở nước ngoài, trong đó có 7 tàu thuộc biên chế Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin - Vinashinlines đang bị chủ tàu bỏ mặc, không cung cấp kinh phí, duy trì an toàn.
Theo quy định hiện hành, kể cả trong trường hợp neo chờ, chủ tàu cũng phải cấp đủ nhiên, nguyên vật liệu, bố trí thuyền viên để duy trì hoạt động tàu, đảm bảo an toàn và phòng ngừa ô nhiễm.
Ngoài ra, chủ tàu cũng phải đóng đầy đủ các khoản phí, lệ phí liên quan. Cục Hàng hải cho rằng chi phí như vậy là khá lớn và trong điều kiện kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp khó có khả năng chi trả, dẫn đến tình trạng bỏ mặc tàu. Cách giải quyết tốt nhất trong điều kiện hiện nay, theo cơ quan quản lý là phá dỡ tàu để thu hồi vốn.
Tuy nhiên, việc phá dỡ hiện chỉ có thể thực hiện với tàu mang quốc tịch Việt Nam, trong khi có tới 22 trong tổng số 53 tàu thuộc danh sách nêu trên đang treo cờ nước ngoài. Theo Nghị định 29/2009 của Chính phủ về đăng ký và mua bán tàu biển, những chiếc tàu này không được phá dỡ tại Việt Nam.
Đồng thời, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, doanh nghiệp cũng không được phép nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ.
“Quy định này đã gây ách tắc trong việc giải bán tàu thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động phá dỡ tàu cũ, làm phát sinh tình trạng tàu bị bỏ rơi hoặc phải neo chờ dài ngày trong tình trạng mất an toàn”, Cục Hàng hải nhận định.