Liên quan đến vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) phát hành cho doanh nghiệp tại TP HCM vay Ngân hàng Vietbank hàng trăm tỷ đồng, đến khi doanh nghiệp mất thanh khoản, không trả được nợ, Agribank lại trốn tránh nghĩa vụ của mình, mới đây, Vietbank đã có đề nghị kê biên phát mại trụ sở Ngân hàng Agribank để trả nợ cho ngân hàng này.
Trao đổi với Kiến Thức, một chuyên gia (đề nghị giấu tên) cho rằng yêu cầu kê biên, phát mại trủ sở Agribank của Vietbank là đúng quyền hạn, trình tự pháp luật bởi việc trả nợ thay cho doanh nghiệp thuộc nghĩa vụ của Agribank, đã được Tòa phúc thẩm,Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên tại các bản án số 39/2012/KDTM-PT, ngày 14/12/2012 bản án số 76/2013/KDTM-PT, ngày 1/4/2013 .
“Điều 45, 46 Luật Thi hành án dân sự quy định, sau khi bản án có hiệu lực, thời hạn tự nguyên thi hành án là 15 ngày. Hết thời hạn tự nguyện theo quy định tại Điều 45, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Hiện, thời hạn tự nguyện của Agribank đã hết, chưa kể Cục Thi hành án dân sự TPHCM nhiều lần gửi công văn yêu cầu phía Agribank thực hiện nghĩa vụ nhưng ngân hàng này vẫn chây ì, không chịu thanh toán khoản nợ cho Vietbank. Theo Điều 71, về biện pháp cưỡng chế thi hành án, cơ quan thi hành án hoàn toàn có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án. Do vậy, phía Vietbank đề nghị cơ quan Thi hành án kê biên, phát mại trụ sở Agribank để trả nợ là đúng quyền hạn, trình tự pháp luật”, chuyên gia phân tích.
|
Vietbank đề nghị kê biên, phát mãi trụ sở Agribank. |
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, mặc dù việc đề nghị là đúng nhưng có kê biên, phát mại được trụ sở Agribank hay không lại là chuyện khác và điều này khó khả thi bởi “Agribank là ngân hàng lớn nhất, thuộc sở hữu nhà nước nên mọi tài sản của Agribank đều thuộc sở hữu nhà nước. Trong khi đó, Vietbank chỉ là ngân hàng nhỏ, dạng thương mại cổ phần. Từ trước tới nay, chưa hề có tiền lệ tịch thu, kê biên, phát mại tài sản của nhà nước để trả nợ bao giờ. Việc đề nghị của Vietbank là đúng và theo quy định pháp luật. Quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Khi Agribank chây ì thì cơ quan Thi hành án phải tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản nhưng điều này rất rắc rối và khó khả thi”.
Chuyên gia này cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu người phải thi hành án hoặc người liên quan có hành vi không chấp hành án thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “không chấp hành án” đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, nếu có xem xét thì cũng khó truy cứu được một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước như Agribank.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên, Agribank dính dáng đến lùm xùm về việc phát hành thư bảo lãnh, sau đó trốn tránh trách nhiệm. Trước đó, tháng 5/2012, hàng trăm cán bộ, nhân viên, công nhân của hàng loạt công ty đã kéo đến trụ sở của Agribank tại Hà Nội để đòi nợ hàng chục tỷ đồng bởi Agribank phát hành thư bảo lãnh cho một doanh nghiệp mua hàng của các công ty nói trên. Khi doanh nghiệp không trả được nợ thì Agribank cũng không chịu thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nguyên Đan