Tính đến cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng vẫn giảm 1,66% (riêng tín dụng VND giảm tới 1,94%), trong khi huy động vốn tăng 0,83%.
Bước lùi tín dụng
Từ đầu năm 2014, khoản vay vốn tại một số ngân hàng của công ty cổ phần Vinamit tiếp tục được điều chỉnh giảm còn 7 – 8%/năm. Chủ tịch HĐQT Vinamit Nguyễn Lâm Viên, cho biết, Vinamit có những điều kiện để được hưởng mức lãi suất khá hợp lý đó là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và uy tín tín dụng cao. Mặc dù vậy, công ty cũng chỉ “dám” vay một lượng vốn chiếm tỷ lệ 10 – 20% tổng nhu cầu vốn. Ông Viên giải thích: “Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận 6 – 10% là tốt rồi. Nếu tỷ trọng vốn vay lớn, doanh nghiệp lăn lộn hoạt động bao nhiêu nuôi ngân hàng hết bấy nhiêu”.
Với một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao như Vinamit còn phải cân nhắc, tính toán từng đồng vốn vay, việc nhiều doanh nghiệp khác ngại ngần với tín dụng là điều dễ hiểu. Báo cáo mới nhất của ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho thấy, tăng trưởng tín dụng của hệ thống hai tháng đầu năm tiếp tục suy giảm 1,66%, trong đó tín dụng đồng Việt Nam (VND) giảm tới 1,94%.
Mặc dù tình trạng tín dụng giảm vào những tháng đầu năm đã diễn ra trong ba năm qua, song nếu so với năm 2013, đà tăng tín dụng đã lùi một bước dài khi mức giảm gấp hơn bảy lần (hai tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,23%). Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn hai tháng đầu năm vẫn nhích tăng 0,83%, càng kéo xa khoảng cách cung – cầu vốn.
Vốn nhiều mà cho vay chẳng được bao nhiêu, nhiều ngân hàng buộc phải giảm lãi suất. Mặc dù lãi suất huy động chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, mức giảm chỉ dưới một điểm phần trăm, song cũng cho thấy áp lực chi phí gia tăng, trong khi doanh thu chưa nhiều cải thiện. Mặt khác, việc giảm lãi suất huy động, theo vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, NHNN Nguyễn Thị Hồng, là để tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay.
“Thậm chí, lãi suất huy động chưa giảm, chúng tôi cũng đã phải giảm lãi suất cho vay vốn”, phó tổng giám đốc ngân hàng OceanBank Nguyễn Thị Mai Hương nói. Bà Hương cho biết, ngân hàng liên tục tung ra các gói lãi suất ưu đãi, như cho vay doanh nghiệp, hộ kinh doanh bổ sung vốn lưu động lãi suất 8,5%/năm; 7%/năm cho doanh nghiệp lớn hay cho vay vốn USD lãi suất chỉ 3%/năm… Mặt bằng lãi suất của ngân hàng thời gian tới đây có thể tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với chủ trương cũng như phù hợp với cung – cầu của thị trường.
Tự do hoá lãi suất: doanh nghiệp được lợi
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 3, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cho biết, năm 2014, mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm 1 – 2%/năm, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt. Trong khi đó, theo đánh giá của thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, “lạm phát năm 2014 giỏi lắm chỉ 5,5%”. Cơ sở cho nhận định của ông Nghĩa, là chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,55% trong tháng 2.2014 và tăng 1,24% trong hai tháng đầu năm – mức tăng được đánh giá là thấp nhất trong mười năm qua.
Cùng với xu hướng giảm lãi suất đã và đang hình thành ngày càng rõ nét, NHNN cũng cân nhắc khả năng cho thoả thuận về lãi suất. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội, ủng hộ chính sách thoả thuận về lãi suất, dù cho rằng, chính sách này nếu được áp dụng sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng. Ông phân tích, trong trường hợp được thoả thuận cả về lãi suất huy động và cho vay, ngân hàng buộc phải tính toán sao cho lãi suất huy động hấp dẫn nhất người gửi tiền, mặt khác lãi suất cho vay hợp lý nhất với người vay vốn. Để thực hiện được điều đó, ngân hàng không cách nào khác phải rà soát, tính toán mọi chi phí, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro, nợ xấu… Và nếu ngân hàng nào cũng hướng tới mục tiêu đó, hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch HĐQT Vinamit cũng ủng hộ việc áp dụng chính sách thoả thuận lãi suất. Ông Viên không e ngại bị các ngân hàng “ép” lãi suất tín dụng lên cao, bởi theo ông, “thị trường hiện nay cung vốn đang lớn hơn cầu”. Mặt khác, ông cho rằng, chính sách này sẽ phát huy được tính cạnh tranh, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thực sự khi được áp dụng đồng loạt tại tất cả các ngân hàng, không phân biệt nội, ngoại.
Tổng giám đốc công ty phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong, cũng chung quan điểm, nên cho thoả thuận về lãi suất thay vì khống chế trần như hiện nay. Tuy nhiên, ông Phong lưu ý, NHNN cần phải giám sát chặt chẽ, tránh để tình trạng một số ngân hàng lớn “bắt tay nhau” hình thành một mức lãi kiểu liên minh, khi đó các ngân hàng nhỏ cũng sẽ chạy đua theo. Khi đó việc thỏa thuận chỉ còn là hình thức, thậm chí lợi ích của cả người vay, người gửi tiền đều có thể bị ảnh hưởng.
Theo Dân Việt