Theo Bộ Tài chính tính đến thời điểm 30/6/2015, 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn là những người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn. Các DN này có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày, cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong số các danh sách này chưa bao gồm nợ thuế thuộc trường hợp như, tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn sản xuất kinh doanh ở địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế; người nộp thuế hiện không còn hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiền thuế nợ của người nộp thuế chờ giải thể; tiền thuế nợ của người nộp thuế đã có quyết định phá sản DN hoặc đang trong thời gian làm thủ tục phá sản DN và các khoản nợ đang trong thời gian khiếu nại....
Trong 600 DN nợ thuế lớn, riêng số lượng DN chây ì nộp thuế tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chiếm tới 2/3, mỗi thành phố có 200 DN.
Ngoài một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đã bị ”bêu tên” nợ số tiền thuế lớn, như Công ty CP Sông Đà – Thăng Long nợ hơn 375 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Dân dụng và công nghiệp Delta nợ hơn 100 tỷ đồng; Công ty CP Viglacera nợ hơn 88 tỷ đồng... Đáng chú ý, trong danh sách này có những ”tên tuổi” lớn trong lĩnh vực điện máy như Nguyễn Kim, Thế giới di động, Digiworld...
|
Nguyễn Kim loạt vào danh sách DN nợ thuế lớn của Bộ Tài chính. |
Cụ thể, theo danh sách mà Bộ Tài chính công bố, Công ty CP Thế Giới Di Động nợ 12 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim nợ 84 tỷ đồng, Công ty CP Thế giới số Digiworld nợ 30,8 tỷ đồng.
Một nửa trong số 4 DN điện máy lớn nợ thuế đều đã hoặc đang ”dính” nghi án bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Một DN đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và 1 DN đang dự định niêm yết vào tháng 8 tới.
Cuối năm ngoái, Nguyễn Kim đã hoàn thành thương vụ bán 49% cổ phần cho đại gia bán lẻ Thái Lan Power thuộc Tập đoàn Central Group.
Trong khi đó, Thế giới di động đã niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE từ tháng 6/2014 và Digiworld đang có kế hoạch niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán vào tháng 8 tới.
Với danh sách 600 DN này, Bộ Tài chính đã tỏ thái độ khá kiên quyết, khi yêu cầu các Cục Thuế địa phương căn cứ tình hình thực tế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại.
Bộ cũng yêu cầu Cục thuế địa phương phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định tại Điều 97 hoặc Điều 98a của Luật quản lý thuế tới các DN để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Theo Trường Giang/Infonet