Máy bay Việt suýt đâm nhau: Tước giấy phép cơ trưởng VNA

Google News

Cơ trưởng và cơ phó của Vietnam Airlines (VNA) khiến máy bay giảm độ cao trong sự cố ngày 7/8 bị thu hồi giấy phép nhân viên hàng không.

 
Trước đó, vào 15h17 ngày 7/8, máy bay HVN 1203 của VNA đang bay trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh được kiểm soát viên không lưu (KSVKL) cấp huấn lệnh cho bay ở mực bay FL 320 (32.000 feet) do có máy bay VJC 3258 của VietJet Air (VJA) bay ngược chiều ở mực bay FL 310 (31.000 feet).
KSVKL đã thông báo đầy đủ thông tin về máy bay VJC 3258 bay ngược chiều cho máy bay HVN 1203.
Tuy nhiên, sau đó máy bay HVN 1203 giảm độ cao xuống mực bay FL 300 (30.000 feet) mà không có lệnh của KSVKL dẫn tới mất phân cách giữa hai máy bay. Nhận thấy nguy cơ va chạm, hệ thống cảnh báo va chạm trên máy bay đã tự kích hoạt đưa ra các thông số khuyến cáo để hai máy bay tránh nhau an toàn.
Cục Hàng không VN đánh giá sự cố trên vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa các máy bay, uy hiếp cao về an toàn hoạt động bay, thuộc vào sự cố loại C (theo phân loại sự cố xếp theo thứ tự nghiêm trọng từ A đến E).
Nguyên nhân cụ sự cố được nhận định là do tổ lái của máy bay HVN 1203 đã nhầm lẫn khi đặt đồng hồ giảm độ cao, thay vì đặt độ cao 32.000 feet lại đặt thành giảm độ cao không xác định.
Vì vậy,Cục Hàng không thu hồi giấy phép nhân viên hàng không củacơ trưởng và cơ phó chuyến bay HVN 1203.Cục Hàng không cònyêu cầu Thanh tra Hàng không xử phạt hành chính với hai người này. Riêng cơ trưởng phải huấn luyện lại các quy trình khai thác tiêu chuẩn theo quy định.
Cục Hàng không cũng đề nghị VNA và VJA tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm và quán triệt toàn bộ phi công về thao tác và quy trình khi giảm độ cao để ngăn ngừa các vụ việc tương tự; bình giảng và quán triệt toàn bộ phi công về việc nhận huấn lệnh và thực hiện huấn lệnh của không lưu.
* Ngoài ra, Cục Hàng không cũng vừa yêu cầu Thanh tra Hàng không xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ trưởng chuyến bay HVN 7826 của VNA (hành trình Phú Quốc -Tân Sơn Nhất) do lăn nhầm đường lăn tại sân bay Phú Quốc vào ngày 20-7-2014.
Qua điều tra, CụcHàng không kết luận đây là sự cố ảnh hưởng đến hoạt động bay và có nguy cơ uy hiếp an toàn hoạt động bay thuộc vào loại D. Nguyên nhân gây ra sự cố là tổ lái đã không nắm chắc sơ đồ và phương thức vận hành trên đường lăn của sân bay Phú Quốc, không thực hiện theo huấn lệnh của KSVKL mặc dù đã báo nhận huấn lệnh.
Cục Hàng không yêu cầu VNA rút kinh nghiệm, kiểm điểm tổ lái về sự việc trên, chấn chỉnh công tác chuẩn bị trước khi bay. Đồng thời yêu cầu Cảng hàng không Phú Quốc xem xét bổ sung biển báo tại giao điểm đường lăn C3 và SP.
Một trường hợp khác của VNA cũng đang được Cục Hàng không điều tra là chuyến bay HVN 132 của hãng này không thực hiện đúng theo huấn lệnh không lưu dẫn đến vi phạm độ cao trong khu vực kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng ngày 5-8-2014.
Cục Hàng không cũng đang tiến hành điều tra chuyến bay PIC 590 của Jetstar Pacific thực hiện lấy độ cao không đúng huấn lệnh không lưu trong khu vực FIR Hồ Chí Minh ngày 27-7-2014.
Trước các vụ việc uy hiếp an toàn bay do phi công thực hiện không đúng huấn lệnh của KSVKL, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không chấn chỉnh đội ngũ phi công nghiêm túc thực hiện huấn lệnh của KSVKL; các tổ lái duy trì nghiêm quy trình hội ý trước và trong chuyến bay...
Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay của Cục Hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát công tác huấn luyện và chấp hành các quy trình thực hành bay đối với phi công; khẩn trương điều tra và sớm làm rõ nguyên nhân các vụ uy hiếp an toàn làm cơ sở bình giảng và xử lý vi phạm theo quy định.
Theo Tuổi Trẻ