- Hơn 2 tháng mới đến cao điểm Cuộc thi trình diễn bắn pháo hoa quốc tế (DIFC 2012), tuy nhiên tình trạng chặt chém du khách đặt phòng khách sạn và các dịch vụ đã tăng chóng mặt.
[links()]
Tăng 5 lần
Đội giá cao nhất phải kể đến nhiều khách sạn tại vị trí gần trung tâm khán đài bắn pháo hoa dọc hai bờ sông Hàn. Khảo sát nhiều khách sạn khu vực này ngày 26/2, mức tăng giá phòng được nâng lên 4 – 5 lần so với ngày thường. Tại khách sạn Ý Vân (lô Z21, đường Trần Hưng Đạo, Sơn Trà, TP Đà Nẵng), giá phòng niêm yết ngay tại phòng lễ tân cho loại khách sạn 1 sao này chỉ từ 400 – 450.000 đồng/1 phòng/1 đêm, tùy loại phòng đơn, hay đôi. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến đặt phòng, cô phụ trách khách sạn thản nhiên ra giá 2 triệu đồng/1 phòng đơn/1 đêm.
“Ở đây 2 triệu phòng đơn, còn phòng đôi giá 2,5 triệu đồng. Thế là còn mềm đó, chứ thuê khách sạn ở xa, giá vừa đắt lại còn mất tiền thuê xe, mua vé để lên khán đài xem. Vị trí này đắc địa, ngồi đây là quan sát được hết. Dọc đường Trần Hưng Đạo này, em khó mà mua được vé. Không nhanh thì chỉ 1 – 2 ngày tới là hết chỗ thôi”, cô này nói.
|
Những khách sạn ở vị trí đắc địa tăng giá chóng mặt |
Dạo quanh các khách sạn 1-3 sao khu vực này, hầu hết đều nhận được cái lắc đầu “cháy hàng” hoặc thông báo tăng vé đến chóng mặt. Liên hệ đặt vé qua phòng lễ tân khách sạn Thanh Lịch (nằm trên đường Bạch Đằng, quận Hải Châu) với vị trí “đắc địa” vì nằm ngay sát với vị trí khu vực tập kết bắn pháo hoa, nhân viên này lắc đầu thông báo hết phòng từ 25/4. “Chỗ em năm nào họ cũng đặt từ trước Tết”, nữ nhân viên này nói.
Tại khách sạn Mimosa (đường Trần Hưng Đạo, Sơn Trà), các nhân viên lễ tân từ chối đặt phòng hai ngày 20 và 30/4 vì đầy chỗ. Theo các nhân viên: những ngày trước và sau DIFC 2012 thì có thể còn vé, chứ ngày cao điểm khó mà tìm ra chỗ trống. Tìm hiểu của Kienthuc.net.vn, để có được phòng đơn, hướng mặt tiền ngắm pháo hoa, du khách phải bỏ ít nhất 2,7 triệu đồng/phòng/đêm, trong khi ngày bình thường là 600.000đồng/phòng/đêm (kể cả phòng trong và phòng ngoài)
Đặc biệt, với các khách sạn nhiều sao, giá phòng tăng cao ở mức đột biến. Khách sạn Varna Hotel (lô Z7, đường Trần Hưng Đạo, Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) loại 3 sao, nằm ngay ở vị trí trung tâm, giữa cầu Sông Hàn và khu vực khán đài nên đua nhau “chặt chém”. Liên hệ tại phòng lễ tân, nữ nhân viên khách sạn thông báo mức phòng đơn (1 giường) lên đến 3,5 triệu đồng/1 phòng/đêm vào các ngày 29 và 30/4, trong khi giá ngày thường chỉ từ 660-700.000 đồng/1 phòng/đêm.
“Mức tăng chung cả, anh có đi cũng khó kiếm phòng. Ở đây thuận tiện vừa đỡ đi lại, ngắm pháo hoa thích mắt. Muốn giữ phòng, anh phải đặt trước 50% tiền phòng”, nữ nhân viên nói thêm. Tại đây kiêm luôn tiền vé xem pháo hoa với mức 300 – 900.000 đồng/vé/người tùy loại.
Tại nhiều khách sạn trên đường Hùng Vương, Phan Chu Trinh, Lê Duẩn nằm khá xa khu vực bắn pháo hoa, tuy nhiêu mức tăng giá vé phổ biến từ 2 -3 lần so với bảng giá ngày thường. Khách sạn Hương Lan (đường Phạm Văn Nghị, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) niêm yết bảng giá ngày thường 300.000 đồng/phòng/đêm, nhưng dịp cao điểm 29 và 30/4, giá phòng khách sạn tăng lên 600.000-900.000 đồng/phòng/đêm.
Phạt nặng có sợ?
Ông Đinh Văn Lộc- Giám đốc Cty Du lịch Vietda (Đà Nẵng) ngao ngán: mức giá phòng năm nay còn tăng cao hơn so với năm ngoái. Hiện đơn vị đang đặt một số phòng với giá từ 500 – 3 triệu đồng/1 phòng/đêm trong 2 ngày cao điểm DIFC 2012. Dù là cùng ngành, thường xuyên làm ăn với nhau, nhưng các hãng du lịch vẫn bị khách sạn ép giá dịp cao điểm với mức tăng phổ biến từ 40-50%.
Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh Cty du lịch Vituor Đà Nẵng: khách sạn tự ý tăng giá quá quy định ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch trong dịp lễ hội pháo hoa năm nay. Phòng tăng giá kéo theo các gói tour tăng theo khiến nhiều du khách e ngại. Mùa khi DIFC năm ngoái có đến 5.000 người đặt tour tại Vitour nhưng đến nay con số này chỉ đạt trên dưới 1 nửa, do nhiều du khách gặp khó vì khâu giá.
Sở VH-TT&DL TP.Đà Nẵng cho hay: dự kiến ngày 27/2, sở sẽ tổ chức cuộc họp với các khách sạn để tiến hành làm việc và triển khai về vấn đề bình ổn giá cao điểm pháo hoa. Trước đó, sở tiến hành ký cam kết với hơn 250 khách sạn về công tác niêm yết giá và bán giá phòng đúng quy định. Thành phố cũng đã lập một tổ kiểm tra (do Sở Công thương chủ trì) và Sở VH-TT&DL cũng thành lập hai tổ kiểm tra các khách sạn về thực hiện giá niêm yết.
Theo ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP. Đà Nẵng: thành phố quy định các khách sạn và các cơ sở lưu trú được phép tăng giá nhưng không quá 30% so với giá ngày thường, trong dịp diễn ra DIFC 2012. Nếu đơn vị nào vi phạm về giá, thực hiện không theo giá niêm yết sẽ bị xử phạt nặng.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết: trước, trong và sau DIFC 2012, UBND thành phố Đà Nẵng quy định các dịch vụ phải niêm yết công khai các bảng giá (trước và sau khi tăng giá) cho người dân du khách. Đồng thời công bố đường dây nóng (05113.812.340) để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng tăng giá bất hợp lý dịp này. Với những trường hợp vi phạm chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định, trường hợp tái phạm sẽ xem xét rút giấy phép kinh doanh.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng ấn định các mức giá thu giữ xe tại các điểm trông xe DIFC 2012, giá dịch vụ xem pháo hoa trên thuyền, tàu du lịch… Theo ông Khương: ngành chức năng tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để không ảnh hưởng đến môi trường và thương hiệu du lịch của thành phố.
Trường Xuân