Nghi vấn gần 51.000 tỷ đồng rửa tiền qua ngân hàng

Google News

Gần 51.000 đồng với 165 giao dịch bị nghi ngờ là hoạt động rửa tiền tập trung vào giao dịch tiền gửi qua ngân hàng.

Tiền mặt - "bãi đáp" cho tội phạm rửa tiền
Theo cục Phòng chống rửa tiền (AMLD) thuộc ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam chưa có đánh giá chính thức của cơ quan có thẩm quyền về tội phạm rửa tiền. NHNN đã "khoanh vùng" được 165 báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền, chuyển cơ quan thanh tra và công an xác minh. Tổng số tiền giao dịch nghi ngờ rửa tiền là gần 51.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp nhận 50 văn bản từ các cơ quan thực thi pháp luật đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các bị can hoặc đối tượng trong các vụ án hình sự.
Nghi ngờ giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng. Ảnh minh họa. 
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sử dụng tiền mặt nhiều, cơ hội cho tội phạm rửa tiền rất cao. Trước đây, rửa tiền thường được đánh giá liên quan đến hoạt động chuyển tiền qua biên giới, thì nay rửa tiền trong nước gia tăng, gắn với hoạt động phạm pháp như buôn lậu, buôn bán ma túy, trốn thuế đặc biệt là tham nhũng. Khi bầu Kiên bị bắt, nhiều câu hỏi đặt ra, liệu ở đây có liên quan gì đến hoạt động rửa tiền? Tuy nhiên, đại diện cục Phòng chống rửa tiền khẳng định: Ma trận sở hữu chéo đã trở thành hiện tượng điển hình của nền kinh tế Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức đều được góp vốn tham gia cổ đông sáng lập ngân hàng. Ngân hàng A có công ty B tham gia 10% vốn, công ty B lại có ông C là chủ tịch HĐQT nhưng ông C lại cử ông D đứng ra đại diện vốn. Vì vậy, trong cổ đông sáng lập ngân hàng A không có tên ông C, trong khi nhân vật này mới thực sự là người điều hành. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam cũng không truy cứu "tội phạm kép".
Do đó, nếu ai đó tham nhũng hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng không bị xem xét có hay không tội rửa tiền. Hơn nữa, các hiện tượng thuê giám đốc để thành lập doanh nghiệp, ủy quyền cho tài xế, nhân viên đứng tên cổ phần... cũng gây khó khăn cho việc truy tìm nguồn gốc dòng tiền.
Hiện tượng rửa tiền bằng cách thuê người khác đứng tên chủ tài khoản, sau đó chủ sở hữu bàn giao mã số pin để người thuê thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản trong nước và rút ngoại tệ tại Campuchia đã có. Trước đây, có nhóm tội phạm quốc tế thuê một số người Việt Nam mở 12 thẻ debit của các ngân hàng trong nước. Các chủ thẻ nhận ít tiền thù lao rồi giao lại thẻ cho người đặt hàng. Sau đó, nhóm tội phạm này sang Campuchia (quốc gia không quản lý ngoại hối) để rút tiền mặt. Hằng ngày, tiền được chuyển vào cả 12 tài khoản ở Việt Nam và rút sạch từ Campuchia.
Về nghiệp vụ, các ngân hàng phải có bộ phận riêng rà soát tất cả các giao dịch hàng ngày. Có rất nhiều yêu cầu đặt ra trong vấn đề an ninh tiền tệ, đòi hỏi ngân hàng phải quản trị nhiều hơn, phải bổ sung nguồn lực cho khâu theo dõi, kiểm soát dòng tiền. Thực tế, theo luật, tất cả các giao dịch gửi tiền hoặc rút tiền từ 500 triệu đồng trở lên đều phải qua khâu khai báo với ngân hàng. Ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, mục đích. Trong trường hợp khách hàng từ chối thì ngân hàng buộc phải hủy giao dịch, đó là bổn phận của ngân hàng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với tội phạm rửa tiền là loại tội phạm có những am hiểu nhất định về ngân hàng nên chúng có nhiều chiêu để lách luật, chẳng hạn chia nhỏ hạn mức tiền gửi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Trong hệ thống tài chính ngân hàng ở Mỹ, các cơ quan an ninh như FBI buộc ngân hàng phải có phần mềm theo dõi, phát hiện tất cả những hành vi Splitting (chia nhỏ). Chúng ta hiện nay chưa có điều khoản bắt buộc, song cũng đã đến lúc các ngân hàng thương mại phải lưu ý và có đánh giá đầy đủ, lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề này, trong những trường hợp cần thiết cần báo cáo với các cơ quan chức năng".
Ảnh minh họa. 
Nhiều "mảnh đất đen" chưa được phát lộ
Đại diện cục Phòng chống rửa tiền cho biết, các giao dịch nghi ngờ rửa tiền nói trên chủ yếu là các báo cáo thu thập từ ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, con số này không phản ánh ngân hàng là mảnh đất thuận lợi cho tội phạm rửa tiền. Vì trong các lĩnh vực có khả năng lớn xảy ra rửa tiền như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, kinh doanh vàng, casino... Thực tế, với những cơn "sốt nóng" của thị trường chứng khoán, bất động sản, dòng tiền đổ vào và rút ra từ hai thị trường này là một con số khổng lồ nhưng thực tế chưa có một đơn vị nào báo cáo nghi ngờ. Hiện mới chỉ có hệ thống ngân hàng chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống rửa tiền cho đội ngũ nhân viên, từ đó kịp thời cập nhật các báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi cơ quan chức năng.
Chia sẻ về thời điểm bất động sản "nóng" ở khắp nơi, nhiều giao dịch mua bằng mọi giá, trong đó không ít nguồn tiền từ bên ngoài đổ vào thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng: "Cũng rất khó đánh giá đâu là giao dịch đáng nghi ngờ. Mọi nghi ngờ có thể ảnh hưởng không tốt tới thị trường. Hơn nữa, với người mua nhà, cầm tiền mặt đi giao dịch họ cũng không phải giải trình với chủ đầu tư tiền ấy nguồn gốc từ đâu. Còn với dòng ngoại tệ từ bên ngoài đổ vào thị trường đã được chuyển qua ngân hàng, có sự kê khai, giám sát của hệ thống". Còn theo đánh giá của lãnh đạo một công ty chứng khoán, việc giám sát giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu rửa tiền trong lĩnh vực này hầu như không được các công ty coi trọng. Có chăng chỉ dừng lại ở lưu trữ số liệu giao dịch phục vụ cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu mà không mang tính chủ động cảnh báo.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã nhận được báo cáo hai hợp đồng bảo hiểm là giao dịch đáng ngờ và đã kịp thời chuyển đến cục Phòng chống rửa tiền để xử lý theo quy định của pháp luật. Dù số hợp đồng bảo hiểm có dấu hiệu rửa tiền bị phát hiện còn rất ít, nhưng nguy cơ rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm là không nhỏ.
Thực tế, các chuyên gia về phòng chống rửa tiền cho rằng, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng, làm phương tiện rửa tiền thường nằm trong các trường hợp: Tiền phí bảo hiểm được đem đi đầu tư; các đơn bảo hiểm nhân thọ với một mức phí duy nhất có bản chất lưu giữ giá trị tiền mặt; bảo hiểm niên kim cố định hoặc thay đổi; hay đơn bảo hiểm chuyển nhượng được và có thể dùng để thế chấp ngân hàng. Các công ty bảo hiểm cũng có thể nghi ngờ một số loại dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ đã bị hoạt động rửa tiền lợi dụng nếu phát hiện việc đòi bồi thường số tiền khổng lồ, hoặc cho những vụ được dàn dựng. Bên cạnh đó, đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, có số phí đóng 400 triệu đồng trở lên là phải báo cáo lên cục Phòng chống rửa tiền để thẩm định kiểm tra. Nếu cơ quan này nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền, sẽ yêu cầu điều tra kỹ lưỡng.
Biến "tiền bẩn" thành "tiền sạch, tiền tươi"
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Tội phạm thu tiền từ các hoạt động phạm pháp như lừa đảo tín dụng, lừa đảo đầu tư, mại dâm, buôn bán ma tuý đều là "tiền bẩn". Để dùng được tiền này mà không bị nhòm ngó thì tội phạm phải thực hiện rửa tiền qua hệ thống ngân hàng hay bất động sản để thu về "tiền sạch, tiền tươi". Chính vì thế, hệ thống ngân hàng phải đặc biệt cảnh giác với loại hình rửa tiền".

 


Theo Người Đưa Tin