Một khách hàng của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) ở quận Phú Nhuận, TP.HCM mới đây đã nhận được điện thoại từ Ngân hàng Đông Á thông báo chị vẫn còn nợ... 1 đồng và đề nghị trừ tiền tài khoản từ thẻ ATM để đóng thẻ tín dụng. Chị H. rất bất ngờ trước thông báo này của ngân hàng vì chị đã tất toán thẻ tín dụng được hơn 3 năm.
Đây không phải là lần đầu chị H. gặp phải rắc rối với những món nợ không thể trả được này. Lần đầu tiên sau khi thẻ tín dụng hết hạn, chị H. đã thanh toán đầy đủ tiền cho ngân hàng nhưng mỗi tháng sau đó đều nhận được thông báo từ ngân hàng còn nợ vài chục đồng. Sau khi đến ngân hàng xử lý thì chị không nhận được bất cứ thông báo nào nữa.
Theo đại diện Ngân hàng Đông Á, lẽ ra món nợ của chị H. phải được xử lý sớm hơn thay vì để đến hôm nay nhưng có thể là khoản nợ quá nhỏ nên nhân viên ngân hàng đã quên. Nay đang trong đợt tổng rà soát ngân hàng mới thấy nên điện thoại thông báo cho khách hàng.
Đây chỉ là một trong những kiểu đòi nợ "quái dị" của ngân hàng. Trước đó cũng đã từng xuất hiện nhiều kiểu đòi nợ chưa từng có tiền lệ khác.
|
Cảnh nhân viên ngân hàng ngồi xiết nợ tại Công ty Âu Mỹ vào hôm 6/5/2013. Ảnh: Internet. |
Hồi đầu tháng 5/2013, một loạt nhân viên của các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank)... chặn xe, mắc võng bao vây trước 2 cổng của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu châu Âu và Công ty Sản xuất - Thương mại Âu Mỹ nằm tại Khu công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội) để canh giữ "tài sản thế chấp". Nguyên nhân là do Công ty Âu Mỹ đã vay lượng vốn không hề nhỏ của nhiều ngân hàng nhưng công ty đang đối mặt với nguy cơ phá sản.
Ngày 9/5, lực lượng gồm 4 xe tải có cầu và 15 người tự xưng đại diện cho các Ngân hàng MB và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã vào kho hàng của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Inox Thành Trung (tại tổ 16, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và lấy đi 40 cuộn inox vốn là hàng hóa bảo đảm thế chấp vay vốn của Công ty Thành Trung tại Ngân hàng SeABank. Không chỉ có vậy, bảo vệ của Ngân hàng VIB còn dán đè niêm phong của đơn vị này lên tem niêm phong của 16 cuộn inox còn lại trong kho vốn đã được công ty bảo vệ mà SeABank thuê trông giữ từ rất lâu.
Không chỉ đòi nợ tiền mà ngân hàng còn xiết nợ cả... lăng mộ. Đó là vụ xiết nợ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh Lê Chân (Hải Phòng) đối với tài sản thế chấp là khu lăng mộ của gia đình ông Vũ Hồng Khánh (72 tuổi, trú tại quận Kiến An, Hải Phòng) vào tháng 4/2013, khiến dư luận xôn xao suốt thời gian đó.
|
Khu lăng mộ của ông Vũ Hồng Khánh bị xiết nợ. Ảnh: Internet. |
Theo Vietinbank, vào tháng 9/2012, ông Vũ Đức Hòa (con trai trưởng của ông Vũ Hồng Khánh) đã ký hợp đồng tín dụng với chi nhánh Vietinbank Lê Chân vay 990 triệu đồng cho Công ty Hoàng Đại. Sau đó, tổng số nợ gốc và lãi vay đã phát sinh lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đến ngày 10/4/2013 là hạn cuối cùng để trả nợ nhưng ông Hòa đã biến mất không có lý do. Do đó, ngân hàng Vietinbank đã khởi kiện doanh nghiệp này để tiến hành thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi khoản nợ xấu. Thật trớ trêu khi số tài sản mà ngân hàng thu hồi đó lại chính là khu đất xây lăng mộ của gia đình ông Khánh.
Không những thế, ngân hàng còn có kiểu xiết nợ mà làm cho "con nợ" có cảm giác như bị trộm đồ. Sự việc xảy ra vào ngày 24/4 khi anh Lê Hưng Thịnh (trú tại Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) đi Thái Nguyên về thì phát hiện chiếc xe Huyndai Avante màu đen của mình không cánh mà bay. Tưởng bị mất cắp, anh Thịnh lên công an phường trình báo vụ việc thì công an cho biết ngân hàng đã đến lập biên bản thu hồi chiếc xe. Nguyên nhân là trước đó, vào tháng 11/2011, anh Thịnh có thế chấp chiếc xe này để vay 350 triệu đồng của Ngân hàng Bảo Việt với thời hạn 3 năm. Anh Thịnh đã trả 100 triệu đồng, số nợ cả gốc lẫn lãi còn lại là 284 triệu đồng. Anh Thịnh cho rằng ngân hàng thu hồi xe mà không thông báo là phạm luật. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Bảo Việt lại cho rằng anh Thịnh đã chậm trả nợ từ tháng 6/2012 tới nay (tháng 4/2013) nên khoản vay của khách hàng đã tự động chuyển sang nợ xấu theo quy định trong hợp đồng, nên buộc phải thu hồi.
Minh Phương (tổng hợp)