Con rơi gốc Việt thừa kế khổng lồ từ triệu phú Mỹ
Câu chuyện tìm cha để đòi chia quyền thừa kế của cậu bé Nguyễn Bé Lory gây ồn ào dư luận suốt một thời gian dài.
Larry Hillblom là chủ của
Công ty chuyển phát nhanh DHL, sở hữu khối tài sản 600 triệu USD. Ông nổi tiếng là một triệu phú đào hoa. Năm 1993, khi đầu tư khách sạn và sân golf tại Phan Thiết, Larry Hillblom gặp và có mối tình chớp nhoáng với cô hầu phòng Nguyễn Thị Bé. Sau lần gặp gỡ ngắn ngủi định mệnh trên, cô Bé có thai và quay về Tân Xuân, cuối năm 1994 hạ sinh Nguyễn Bé Lory giống cha như đúc.
Triệu phú Larry chỉ biết mình có con rơi tại Việt Nam qua một tấm ảnh khi Lory vừa vài tháng tuổi. Ngày 21/5/1995, trong một chuyến bay bằng thủy phi cơ từ đảo Pagan đến Saipan, tỷ phú Larry Hillblom tử nạn đến nay vẫn chưa tìm được thi thể.
Sau cái chết của nhà tỷ phú đào hoa bạc mệnh, có hơn 10 cháu bé được cho là con rơi của ông đã đứng ra tranh chấp khối tài sản khổng lồ. Cuối cùng ngoài phần lớn tài sản để nghiên cứu y khoa dành cho ĐH San Francisco, 4 cậu bé gồm Nguyễn Bé Lory ở Việt Nam; một đứa con rơi khác ở đảo Guam và hai người con ở Philippines được hưởng quyền thừa kế sau khi đã chứng minh trước tòa là con huyết thống của nhà tỷ phú trong cuộc chiến ADN ở Mỹ vào năm 1999.
|
Nguyễn Bé Lory cùng với mẹ khi sang Mỹ năm 1998. |
Hiện mẹ con Nguyễn Bé Lory ở trong một ngôi nhà tại một thị trấn ở bờ biển phía Đông nước Mỹ. Theo một nguồn tin thân cận với gia đình Lory, lẽ ra năm 2012 cậu bé đủ 18 tuổi sẽ là người đứng tên trên số tài sản ước tính hiện đã lên đến gần 100 triệu USD. Song do Lory còn đang đi học, những người quản lý số tài sản đã thống nhất với gia đình Lory làm tăng thêm số tài sản khổng lồ này bằng cách đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Đến năm 21 tuổi, Nguyễn Bé Lory mới chính thức là chủ nhân của số tiền khổng lồ này.
2. Thầy bói suýt được thừa kế hơn 4 tỷ USD từ nữ tỷ phú lập dị
Lúc còn sống, Nina Wang là một trong những tỷ phú nổi danh nhất châu Á. Bà là Chủ tịch của Tập đoàn Chinachem (Trung Quốc) chuyên phát triển các dự án bất động sản cỡ lớn. Nữ tỷ phú này được biết đến không chỉ vì giàu có kếch xù, mà còn vì tính cách lẫn ngoại hình lập dị.
Hồi 2002, Nina Wang viết di chúc để lại tài sản cho tổ chức từ thiện do mình sáng lập mang tên Chinachem Charitable Foundation. Tuy nhiên, bằng cách nào đó ông thầy bói riêng có tên Tony Chan đã khiến bà Wang viết lại di chúc vào năm 2006, để lại toàn bộ tiền bạc của cải cho ông ta.
|
Nữ tỷ phú lập dị Nina Wang.
|
|
Tony Chan, ông thầy bói riêng của bà Nina Wang.
|
Sau khi bà Wang qua đời hồi 2007, cuộc chiến tranh giành tài sản bắt đầu nổ ra giữa một bên là gia đình của bà Wang, đại diện cho quỹ từ thiện Chinachem Charitable Foundation và một bên là ông thầy bói.
Đến tháng 2/2010, Tòa án Hong Kong đã quyết định Quỹ từ thiện Chinachem Charitable Foundation sẽ được hưởng tài sản của bà Wang, theo như bản di chúc hồi 2002. Tuy nhiên, ông thầy bói quyết không chịu thua, gửi đơn kháng cáo lên tòa án. Thế nhưng cuối cùng, tòa án tối cao Hong Kong đã chính thức bác đơn kháng cáo của của thầy bói Tony Chan.
Bà hưởng khối tài sản khổng lồ cùng tập đoàn ChinaChem từ ông chồng quá cố, Teddy Wang. Ông này bị bắt cóc từ năm 1990 và được tuyên bố đã chết vào năm 1999. Để giành được khối tài sản trên, bà Nina Wang cũng từng phải trải qua một cuộc chiến nảy lửa với ông bố chồng. Sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư, Nina Wang qua đời năm 2007 ở tuổi 69, để lại 4,2 tỷ USD theo thống kê của Forbes.
3. Con chó thừa kế 12 triệu USD
Tỷ phú bất động sản và khách sạn tại New York, bà Leona Helmsley, người có biệt danh “Nữ hoàng keo kiệt”, đã để lại 12 triệu USD cho con chó cưng Trouble khi qua đời.
Trouble là cái tên may mắn nhận được số tiền lớn nhất trong di chúc của bà Helmsley, nhiều hơn một số thành viên gia đình. Thậm chí 2 trong số 4 đứa cháu của bà không nhận được một đồng xu.
|
Bà Helmsley và chú chó cưng.
|
Bà Helmsley để lại số tài sản khổng lồ cho chú chó cưng với ý muốn Trouble sẽ có được sự chăm sóc tốt nhất sau khi bà qua đời.
Số tiền thừa kế của Trouble sẽ được giao cho anh trai bà, Alvin Rosenthal, quản lý. Ông này cũng được thừa hưởng 10 triệu USD. Hai người cháu, David và Walter Panzirer, mỗi người sẽ được hưởng 5 triệu với điều kiện phải thăm mộ cha mình ít nhất một năm một lần.
Trong khi đó hai người cháu nội khác, không nhận được một đồng nào với lý do "hơn ai hết, chúng biết rõ lý do tại sao", bà viết trong di chúc.
Ngoài ra, Helmsley còn để lại một trăm nghìn USD cho tài xế riêng và 3 triệu USD để gìn giữ nơi an nghỉ của bà và chồng. Số tiền thu được từ việc bán các tài sản khác sẽ được trao cho các tổ chức từ thiện.
4. “Ông trùm” ngành gỗ yêu cầu chia tài sản sau khi người cháu cuối cùng qua đời được 21 năm
Ông Wellington R.Burt - một đại gia ngành gỗ ở Michigan (Mỹ), người đã mất năm 1919, từng tuyên bố khoản tài sản 110 triệu USD của ông chỉ được phân chia sau khi người cháu cuối cùng qua đời được 21 năm.
Theo đó, mặc dù ông Burt đã qua đời từ năm 1919 nhưng tới năm 2010, khối tài sản khổng lồ của ông mới được phân chia cho người thân.
|
Đại gia ngành gỗ Wellington R.Burt.
|
Người cháu cuối cùng của ông Burt qua đời vào năm 1989 và thể theo nguyện vọng trong di chúc của ông thì số tài sản kếch xù của ông được chia sau đó 21 năm.
Thế nhưng, lúc đó lại có đến 30 người nhận làm người thân của ông Burt. Vì vậy, 20 luật sư phải làm việc hết sức công bằng để phân chia khối tài sản trên. Kết quả kiểm tra di truyền cho thấy chỉ 12 người tuổi từ 19 đến 94 sống ở 8 bang là có quyền thừa kế.
Khi Burt chết tại Saginaw hồi tháng 3/1919 ở tuổi 87, ông là một trong 8 người giàu nhất ở Mỹ. Nhiều khả năng là do những mâu thuẫn trong gia đình vào thời điểm đó, ông không muốn để lại bất kỳ khoản tiền nào cho người thân nên ông mới viết ra bản di chúc kỳ quặc trên vào năm 1917.
Thảo Nguyên (tổng hợp)