- Người dân và các doanh nghiệp sử dụng gas như gạch men, sứ, dệt may đang “chóng mặt” với giá gas tăng hiện nay.
Nhiều áp lực khi giá gas tăng
Từ đầu tháng 2/2012, dù đang vào mùa cao điểm sản xuất mặt hàng sứ xuất khẩu nhưng Công ty CP sứ Cosani (gọi tắt Cosani, KCN Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chỉ hoạt động 50% công suất và cắt giảm nhiều nhân công vì áp lực giá gas tăng đột biến.
|
Gas tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó (công nhân Cosani vận hành máy đốt khí gas tạo nhiệt nung sản phẩm) |
Theo đơn giá (giá sỉ), Cosani nhập gas đã tăng thêm 5.000 đồng/kg (từ 21.000 đồng lên gần 26.000 đồng/kg) so với thời điểm trước. Bình quân mỗi tháng hệ thống đốt, nung sứ công ty vận hành “ngốn” hết gần 70 tấn gas nên sức ép từ việc tăng giá này là không nhỏ.
Ông Trần Cao Tường, Tổng Giám đốc Cosani cho hay: Với mức tăng đột biến này, ít nhất công ty phải bội chi 300 - 350 triệu đồng/tháng tiền nhiên liệu. Đặt giá gas trong bối cảnh khó khăn về vấn đề tài chính chung, lãi suất huy động… càng thêm áp lực khiến các doanh nghiệp lao đao ngay những ngày đầu năm.
Tại Công ty Đồng Tâm Miền Trung (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam), ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc Công ty này cũng cho hay: gas là nhiên liệu chính được sử dụng trong dây chuyền sản xuất. Giá gas tăng mỗi tháng, đơn vị tăng chi từ 1,5 đến 2,6 tỷ đồng tiền nhiên liệu này.
Không ít hộ dân gặp khó vì giá gas tăng cao thời gian vừa qua. Chị Trần Thị Hồng (phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) nói: một bình gas 12 kg gia đình chỉ sử dụng trên dưới 2 tháng. Giá gas tăng cùng với các chi phí thực phẩm tăng theo nên tác động trực tiếp đến chất lượng bữa ăn của người dân.
"Tăng thì tăng đến 42.000 đồng/bình, giảm chỉ có 16.000 đồng thì đâu có đáng" - chị Hồng băn khoăn.
Giảm sức cạnh tranh
Theo ông Trần Nguyễn Phúc Sinh, Phó Tổng Giám đốc Cosani, giải pháp thay đổi công nghệ từ dùng gas sang sử dụng các loại nhiên liệu khác như than là khó khả thi vì yêu cầu chất lượng sản phẩm và môi trường (dùng gas sản phẩm mịn, không bị lỗi và sạch).
|
Tiết kiệm gas, nhiều công đoạn sơ sấy phải tận dụng ánh sáng mặt trời |
Tuy nhiên, cái khó là giá gas liên tục biến động trong thời gian ngắn. Trước mặt đơn vị áp dụng các biện pháp tình thế như giảm công suất, cắt giảm nhân công từ hơn 300 công nhân xuống còn 260 người.
Ông Tường cũng lý giải: Ước tính lần tăng giá gas này phải tăng giá sản phẩm lên 10% để bù chi phí nhưng điều này lại kéo theo hệ lụy làm giảm sức cạnh tranh thị trường, đặc biệt với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu.
Từ năm 2011 đến nay, giá gas tăng 45% nhưng đơn vị mới chỉ có một lần tăng giá sản phẩm lên 15% từ giữa năm 2011.
Các doanh nghiệp sứ, gạch men cho hay: phí nhiên liệu (gas) chiếm đến hơn 40% trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm nhưng việc tăng giá sản phẩm theo giá gas là điều khó thực hiện vì giảm sức cạnh tranh.
Khắc phục tình cảnh này, nhiều giải pháp trước mắt được các doanh nghiệp triển khai như tiết kiệm nhiên liệu, lấy nhiệt thải qua sử dụng để sơ sấy sản phẩm hoặc tranh thủ năng lượng mặt trời…
“Đó chỉ là giải pháp tình thế, thực tế các doanh nghiệp đang phải cầm cự, duy trì tồn tại hết năm nay. Nếu không có sự thay đổi nhất định về cơ chế, chính sách, nguồn vốn và quản lý thị trường, giá cả thì nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục phá sản” - ông Tường nói.
Còn ông Thành kiến nghị: so với các mặt hàng nhiên liệu khác, gas sạch, ít ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm nên cần khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên với giá gas biến động hiện nay, các cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh để giảm bớt chi phí cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất.
Bộ Tài chính ngày 2/3 đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối thực hiện ngay việc giảm giá bán gas trong nước, sau khi thuế nhập khẩu mặt hàng này được điều chỉnh giảm từ 5% xuống 0%.
Saigon Petro đã chính thức thông báo giá bán gas SP của hãng này giảm khoảng 1.333 đồng/kg, tương đương 16.000 đồng/bình 12kg kể từ ngày hôm nay 3/3. (TN)
|
Xuân Tuyết
[links()]