Tại cuộc họp đường bay thẳng sáng 10/9, dù Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đều nhất trí chủ trương cần sớm đưa đường bay thẳng vào thực tế, nhưng Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh vẫn băn khoăn về 3 khó khăn cần giải quyết để thực hiện được đường bay thẳng:
Thứ nhất là độ cao, cụ thể phải xin được nhà chức trách Lào cho máy bay bay với mực bay FL 350 có độ cao 1.0650m (35.000 feet) để tiết kiệm nhiên liệu nhất thay vì mực bay Lào cho phép FL 240 đến FL 280 (độ cao 7.300m đến 8.550m) hiện nay.
Thứ hai là cần tổ chức lại vùng trời để không phải bay tránh các khu vực có hoạt động của không quân như Thọ Xuân (Thanh Hóa), Biên Hòa và vùng cấm bay của Thủ đô.
Thứ ba là cần đàm phán để giảm mức phí không lưu.
Bàn về quan điểm trên của Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh, TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã có bài phân tích sâu sắc gửi tới Kiến Thức:
“Phân chia vùng trời – đặt vùng cấm bay”, chuyện vô duyên!
Bầu trời là tài nguyên không gian, là chủ quyền quốc gia thiêng liêng, là tài sản quốc gia của nhân dân mà không của riêng ai. Trong Hiến pháp và các bộ luật, nghị định Chính phủ, các văn bản dưới luật chưa hề có khái niệm đó. Vậy tại sao hiện nay khi bàn đến việc mở đường bay thẳng
Hà Nội - TP HCM qua không phận Lào và Campuchia thì lại xuất hiện? Đã vậy lại sinh ra khái niệm “vùng cấm bay" trong lãnh thổ Việt Nam.
Nước ta cùng bầu trời ASEAN đều hòa bình, hợp tác hữu nghị, ký hiệp định “bầu trời mở rộng" để bay thẳng khuyến khích giao thương, khai thác tài nguyên thiên nhiên, cùng nhau bảo vệ bầu trời. Đã có có quốc gia nào tuyên bố “vùng cấm bay" đâu?
Khái niệm này chỉ có ở vùng chiến sự chứ sao lại có trong lòng nước ta? Trong tình trạng chiến tranh hay bị đe dọa chiến tranh, xung đột ngoại giao mới phải đưa ra. Tuyên bố vùng cấm bay phải là cấp nguyên thủ quốc gia – Hội đồng QP - AN, mà không phải là Cục Hàng không hay bất cứ cấp nào, đến cấp Bộ trưởng vẫn chưa được phép tuyên bố.
Đặt ra vùng cấm bay là “ta tự cấm vận ta", “ta tự hại ta”... chứ được gì. Không phận là nguồn tài nguyên không gian phải được khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch, hoạt động thông tin truyền thông, khuyến khích nhiều nước mở đường bay qua không phận để thu phí bầu trời làm tăng ngân sách, chứ sao lại “cấm cửa con khó lấy chồng", vừa lãng phí tài nguyên bầu trời, vừa thất thu thuế tài nguyên không gian.
Quân chủng PKKQ có nhiệm vụ bảo vệ canh giữ biển trời, chống xâm nhập từ bên ngoài để bảo vệ bình yên cho cuộc sống, đặc biệt đảm bảo cho việc mở đường bay dân dụng để khai thông “đường trời”, giảm thiểu cho đường bộ, bảo vệ cửa ngõ, vùng trời Tổ Quốc đón nhận bạn bè quốc tế đến với mình, chứ có được quyền làm khó họ đâu !?
Một chiếc máy bay siêu nhẹ của công dân Tây Đức bay thấp dưới tầm ra đa định vị đáp xuống Quảng trường Đỏ ở Moscow năm 1987 đã khiến Tư lệnh Phòng không Liên Xô và nhiều tướng lĩnh bị cách chức ngay lập tức. Chiếc máy bay siêu nhẹ đột nhập vào TP HCM... năm 1995 là bài học cảnh giác cho quân chủng PKKQ, chứ việc Việt Nam sản xuất thành công máy bay siêu nhẹ VAM 2 là điều đáng mừng để Việt Nam được bay lên từ đôi cánh chính mình. Các doanh nghiệp bỏ tiền mua sắm phương tiện bay để góp phần cùng Nhà nước giảm thiểu quá tải thì cần khuyến khích. Nếu cứ “bế quan tỏa cảng" không phận thì còn ai đến với mình, làm khó cho các doanh nghiệp thì làm sao kinh tế phát triển?
Hợp tác sử dụng hạ tầng hàng không, phối hợp điều hành không lưu giữa Cục hàng không và PKKQ là trách nhiệm chính trị phải làm, phải phối hợp, chứ không được quyền lấy đó để làm lá bài “kêu khó” nhằm trì hõan mở đường bay thẳng! Trong trường hợp chiến tranh thì tất cả các sân bay phải phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, còn trong thời bình, việc sử dụng
sân bay, phối hợp cất hạ cánh bay tập, bay thương mại là chuyện bình thường như đã từng làm ở Nội Bài, Đà Nẵng, Thanh Hóa, chứ đâu đến mức phải phân chia vùng trời, phân chia sân bay, đặt vùng cấm bay!
Cục Hàng không: “Việc nhà nhếch nhác, việc người khác lại siêng"
Nhiệm vụ chính trị của Cục HKVN trước Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT là hướng dẫn và thực thi Luật HKDDVN 2006, mà không phải lo Luật Quốc phòng của Quân chủng PKKQ! Không lo việc quản lý Nhà nước về điều hành quản lý an toàn bay, chấp hành mở đường bay thẳng có hiệu quả kinh tế để khai thông huyết mạch hàng không, mà suốt ngày ngồi lo “bay qua không phận các nước không đảm bảo an ninh" thì thật vô duyên!
Hàng không là “quốc diện”, “quốc thể” mà sân bay từ “quốc tế” đến “quốc nội” nhếch nhác mất vệ sinh, hỗn loạn như chợ Trời vì chậm chuyến hủy chuyến, thiếu máy bay, thiếu phi công. Máy bay chuẩn bị cất cánh thì xì lốp, nổ lốp, rơi lốp. Quản lý an toàn bay mà xây sân golf nhà cao tầng sát đường cất hạ cánh là “chuyện bình thường”, xây đài điều khiển không lưu vượt phép tới 9 mét để được “cao nhất khu vực"; kiểm soát an ninh lọt những 800 bánh heroin; điều hành không lưu hạ cánh nhầm sân bay, nhầm đường băng, máy bay suýt đâm nhau trên trời và dưới mặt đất. Máy bay
Vietnam Airlines vào nước Nga không cần xin phép coi thường hệ thống phòng không của họ, trả lời giao nhận FIR chậm tới 17 phút… Tiếp viên bị tố buôn lậu quốc tế, “thượng võ” vào cả “thượng đế”. Kiến thức kinh tế thì “ bay vòng lợi hơn bay thẳng … thực nghiệm khoa học thì tiến hành “lúc nửa đêm" !
Xin Cục Hàng không gác lại chuyện lo xa về Quốc phòng - An ninh, về “phân chia vùng trời”, quy định “vùng cấm bay" để nghĩ về trách nhiệm. Xin đừng “cầm nhầm” Bộ luật Quốc phòng, đừng ngồi nhầm ghế Bộ Quốc phòng; cũng xin đừng tự coi mình là “Bộ Hàng không", vượt mặt bộ chủ quản đi lo xa những chuyện “ngoài vùng phủ sóng" mà hãy là cơ quan quản lý Nhà nước giúp việc Bộ trưởng GTVT có trách nhiệm thực thi bộ luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006!
TS Trần Đình Bá