Săn “viagra” dưới đáy sông Nhật Lệ

Google News

Đoạn sông Nhật Lệ (Quảng Bình) dài đến 20km, trước khi đổ ra biển là một mỏ hàu khổng lồ trời cho.

 Hàu được ví như "viagra" có ở nhiều nơi, nhưng có lẽ không đâu ngon bằng con hàu sống ở sông Nhật Lệ. Tuy nhiên, để có được món ngon, bổ dưỡng từ con hàu này, người làm nghề phải lặn sâu hàng chục mét dưới đáy sông mới săn được.

Bán mạng sống dưới đáy sông

Con hàu ở sông Nhật Lệ vì ngon nổi tiếng mà ngày càng trở nên khan hiếm. Ngày trước, vào mỗi vụ hàu (mùa xuân), người dân làm nghề khai thác hàu ở thị trấn Quán Hàu, xã Võ Ninh… (Quảng Nình) chỉ cần dùng một chiếc cào sắt cán dài rồi dùng sức máy thuyền để cào. Với, với cách này, mỗi ngày người làm nghề cào hàu trên sông Nhật Lệ cũng kiếm được tiền triệu. Thế nhưng với cách khai thác này, hàu to hàu nhỏ, còn sống hay đã chết đều bị cào lên hết. Dần dà với tốc độ khai thác nhiều và cách khai thác tận diệt như thế, nguồn hàu trên sông Nhật Lệ ngày càng khan hiếm, nghề cào máy không thể tồn tại được. Bây giờ, để bắt được con hàu, những người khai thác hàu đều phải chuyển sang nghề lặn. Hiện có 2 cách lặn hàu đang được người dân thực hiện, đó là lặn bo (lặn không máy) và lặn có máy hỗ trợ.

San “viagra” duoi day song Nhat Le

Những con hàu đầu tiên được lấy lên từ đáy sông Nhật Lệ của vợ chồng ông Xảo, bà Đào.

Vợ chồng ông Đoàn Xảo và bà Lê Thị Đào ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) đã có hàng chục năm sống bằng nghề lặn bo bắt hàu trên sông Nhật Lệ. Ông Xảo trước đây làm nghề “ngậm ngải tìm trầm”. Trong một lần tìm trầm ở vùng biên giới Việt Lào, ông bị bọn thổ phí cướp hết trầm và chặt mất một chân. Trở về nhà với một chân đã mất, ông Xảo mưu sinh bằng nghề lặn hàu trên sông Nhật Lệ. “Tuy không bằng được người ta, nhưng mỗi mùa hàu vợ chồng tôi cũng kiếm được hơn 30 triệu đồng. Nhờ con hàu mà vợ chồng tôi mới vượt qua những khó khăn cuộc sống, nuôi 4 con khôn lớn. Nhưng cái nghề này cũng cơ cực lắm…” – ông Xảo tâm sự.

Để hiểu hơn về nghề lặn hàu dưới đáy sông Nhật Lệ, chúng tôi tìm gặp ông Võ Sỹ Triển, ở thôn Phú Bình, thị trấn Quán Hàu, một người thợ lặn hàu bằng máy thở vào loại lành nghề nhất hiện nay.

8 giờ sáng, khi mặt sông đã vàng rực màu nắng cũng là lúc vợ chồng ông Triển bắt đầu một ngày làm việc trong lòng sông Nhật Lệ. Gần chục năm trời làm vợ người thợ lặn hàu chuyên nghiệp như ông Triển, bà Đào đã quá quen với những buổi sáng tất bật vừa lo bữa ăn cho chồng, vừa phụ ông chuẩn bị đồ nghề lặn sông. Bà Đào bảo, dù ngày mưa rét hay nắng ráo, một thợ lặn bao giờ cũng mang trên mình năm lớp quần áo, trong đó có một áo mưa và hai bộ đồ lặn chuyên nghiệp, rồi mũ, kính, găng tay và phải đeo hơn chục cân chì trên người để không bị lực nước đẩy lên.

 

Mang vội lớp áo quần cuối cùng, ông Triển cho biết: “Trên có thể nắng chảy mỡ nhưng dưới lòng sông lúc nào cũng lạnh nên chúng tôi phải mang kín như thế này mới mong chống chịu được nhiệt độ dưới đáy sông, nhất là khi mỗi chuyến lặn hàu thường kéo dài 5 – 6 tiếng”.

Đưa thuyền ra giữa sông Nhật Lệ, neo thuyền xong, ông Triển ngậm vòi thở rồi nhảy xuống sông... Hơn 1 giờ đồng hồ sau, ông Triển mới ngoi lên với chiếc làn đầy hàu. “Hàu bây giờ hiếm lắm, trước đây chỉ mươi phút là tôi đã lấy đầy làn rồi, giờ thì phải cả tiếng” – ông Triển than thở. Dứt lời ông lại lao xuống sông lặn hơi khác để cạy hàu từ những phiến đá tận dưới đáy sông. Trên tàu, bà Đào tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, bà phải nói thật lớn để át tiếng máy thuyền đang nổ vang mặt sông để tạo oxy. Theo bà Đào, ở đây những người làm nghề lặn hàu như vợ chồng bà ngày càng ít dần, nhiều người đã phải bỏ nghề, phần vì con hàu ngày càng khan hiếm, phần vì nghề lặn quá chát mặn và cực nhọc. Kiếm được con hàu để trang trải cuộc sống, người làm nghề mỗi ngày phải “bán mạng” hơn 6 tiếng đồng hồ dưới đáy sông. Thời trai trẻ sức khỏe còn đỡ, chứ về già thì lãnh đủ thứ bệnh tật như một quy luật “sinh nghề, tử nghiệp” đầy khắc nghiệt.

Thương hiệu trứ danh

Nhiều du khách đến Quảng Bình được thưởng thức món cháo hàu đánh bắt từ sông Nhật Lệ đều có chung một nhận xét: “Không có hàu ở nơi nào có vị ngon đặc trưng như con hàu ở sông Nhật Lệ”. Theo lý giải của ông Lê Bá Chương, một cán bộ địa chất về hưu, hiện đang sống ở thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh, Quảng Bình), hàu sống thường bám vào các bãi đá giàn hoặc đá cuội rời ra. Trong khi đó đáy sông Nhật Lệ đoạn chảy qua thị trấn Quán Hàu có một vùng địa chất rộng lớn chủ yếu là đá giàn tổ ong, cuội latirit, phong hóa từ đá phiến sét nằm ở đáy sông thành giàn hay thành đá cuội rời, nên hàng trăm năm qua con hàu nơi đây cứ thế mà sinh sôi nảy nở. Nhờ những yếu tố đặc biệt về địa lý, địa chất tự nhiên và nguồn phù du trong nước phong phú, đã đem lại cho con hàu ở sông Nhật Lệ có vị ngon đặc biệt không nơi nào sánh được.

Theo những người “sành ăn” ở Quảng Bình, hàu chế biến được rất nhiều món ăn, mà món nào cũng ngon, cũng bổ dưỡng. Khi khai thác về, người ta cạy vỏ ra, lấy thân hàu cùng một ít nước sau khi được chắt lọc sạch, phi hành mỡ xào hàu với cây chua me, cà chua… ăn chung với bánh tráng. Phổ biến nhất vẫn là món cháo hàu mà nhiều thực khách sau khi đến đây được thưởng thức đều muốn quay trở lại. Khi nấu cháo chỉ cần ướp hàu với gia vị trước, tốt nhất dùng ít nước xương ninh cháo, rồi đổ hàu vào, hoặc xào hàu chín tới rồi cho vào cũng được. Hàu xào còn có thể làm bún hàu, phở hàu… Ngoài ra, còn có rất nhiều cách ăn hàu thú vị khác như: Dùng than củi nướng đến khi chín, miệng hàu mở ra thì cho muối tiêu vào rồi lấy thìa múc ăn. Còn có một cách thưởng thức đặc biệt hơn nữa là cạy hàu mới khai thác về đang tươi nguyên, cho muối tiêu, chanh, bồ tạt, rau thơm vào ăn ngay… Nhưng dù được chế biến bằng cách nào thì khi được thưởng thức các món hàu được đánh bắt từ sông Nhật Lệ đều thấy khỏe khoắn, sảng khoái lạ thường; nhất là đối với đàn ông, ăn hàu Nhật Lệ xong, trong người như có một nguồn dương khí rất dồi dào… Thế nên gọi hàu là đặc sản “viagra” là thế!

Không chỉ nổi tiếng ở Quảng Bình, năm 2005, lần đầu tiên món cháo hàu dù được chế biến rất đơn sơ, đã vượt qua nhiều của ngon, vật lạ trong cả nước đạt Huy chương Vàng tại Hội chợ ẩm thực do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tiếp đến, là năm 2010, tại lễ hội kỷ niệm 310 năm ngày mất của Thượng đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, con hàu đánh bắt ở sông Nhật Lệ đã vượt hơn cả ngàn cây số dự “Lễ hội ẩm thực Quảng Bình giữa lòng Phương Nam” và đã được du khách trong và ngoài nước biết đến… Cứ thế, con hàu được đánh bắt ở sông Nhật Lệ đã trở thành một thương hiệu trứ danh và ngày một vang xa

(Theo Dân Việt)

Theo PV / Dân Việt