SeaBank bị “tố” ép nhân viên nghỉ việc hàng loạt

Google News

Giới ngân hàng đang truyền nhau lá thư nặc danh cho biết SeaBank cắt giảm nhân sự hàng loạt và ép nhân viên tự viết đơn xin nghỉ.

Giới ngân hàng đang truyền nhau lá thư nặc danh cho biết SeaBank cắt giảm nhân sự hàng loạt và ép nhân viên tự viết đơn xin nghỉ. Tuy nhiên, SeaBank khẳng định, không có chuyện này mà thậm chí vẫn đang tuyển dụng thêm.

Cuối tuần trước, giới ngân hàng bắt đầu lan truyền một email nặc danh, được cho là của nhân viên SeaBank với nội dung "tố" ngân hàng này đã cắt giảm nhân sự ồ ạt và hành xử lạnh lùng với nhân viên khi buộc họ thôi việc. Người viết email này cho biết, những ngày đầu tháng 10, Phòng Nhân sự SeaBank gọi họ lên và nói: “Dù chưa hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng ngân hàng đang cơ cấu lại và tình hình tài chính 9 tháng đầu năm hoạt động không tốt nên phải cắt giảm nhân sự và các anh chị là những người bị cắt giảm”.

SeaBank khẳng định không có chính sách cắt giảm nhân sự. Ảnh minh họa.
SeaBank khẳng định không có chính sách cắt giảm nhân sự. Ảnh minh họa.
Email trên được gửi cho Tổng giám đốc SeaBank và Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn. Theo lá thư này, các nhân viên của SeaBank bị phòng nhân sự ép viết đơn xin nghỉ thay vì thông báo sa thải để tránh phải bồi thường theo hợp đồng lao động. Người gửi thư tố cáo còn cho biết, SeaBank chỉ cho họ 3 ngày để viết đơn xin nghỉ việc.

Theo người viết thư nặc danh, họ được phòng nhân sự đưa ra hai phương án. Một là tự viết đơn xin nghỉ. Hai là sẽ bị thuyên chuyển vị trí công tác một cách trái khoáy và giảm hơn 50% lương nếu không đồng ý phương án thứ nhất. Ví dụ như nếu đang làm ở Hà Nội sẽ bị chuyển sang chi nhánh Đà Nẵng, lương sẽ bị thấp hơn một nửa nhưng không được hỗ trợ chi phí nhà trọ để nhân viên tự nản mà xin nghỉ.

Trả lời về sự việc này, phía SeaBank khẳng định, thời gian qua không thực hiện cắt giảm nhân sự.

"Thực tế từ đầu năm 2012 tới nay SeABank đã tuyển dụng thêm 778 lượt người (tính đến 30/9/2012). Chúng tôi còn đang cân nhắc các phương án sử dụng nhân sự phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tuyển dụng mới ở những vị trí công việc phục vụ cho nhu cầu phát triển, mở rộng hoạt động", nhà băng này nói.

Nói về việc xử ép nhân viên mà lá thư tố cáo, lãnh đạo SeaBank cho hay: "Luân chuyển nhân sự là chuyện hết sức bình thường đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự ngành ngân hàng – lĩnh vực luôn có sự cạnh tranh lớn bởi tốc độ mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt động". Ngân hàng này cho biết, vừa tiến hành đánh giá nhân sự thường niên và dự định điều chuyển một số nhân sự cho phù hợp với yêu cầu của hệ thống. Tuy nhiên, cùng dịp này, có một số nhân viên đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc với lý do cá nhân.

Theo giải thích của ngân hàng này, các nhân viên tự nguyện xin nghỉ có thể chủ động nghỉ trước thời hạn nhưng vẫn được hưởng nguyên lương, không phải bồi hoàn chi phí đào tạo và được xác nhận, viết thư giới thiệu với đơn vị công tác mới.

Một nhân viên ở bộ phận tín dụng của ngân hàng này cho biết, thực ra việc cắt giảm nhân sự không nặng nề như trong bức thư tố cáo và chỉ xảy ra ở một vài người bởi SeaBank không có chính sách khuyến khích những người thân (vợ/ chồng/ anh/ chị em...) cùng làm để tránh rủi ro thất thoát.

Về người viết thư nặc danh "tố" SeaBank, ngân hàng này phỏng đoán những thông tin trên xuất phát từ sự bức xúc của một cá nhân nào đó khi chưa được đáp ứng những yêu cầu của bản thân mình. Tuy nhiên, đại diện SeaBank khẳng định sau sự việc này, sẽ xem xét lại tất cả nguyện vọng của các nhân viên xin nghỉ việc và cố gắng tối đa để tạo điều kiện cho các cán bộ này trong phạm vi cho phép của Luật Lao động.

Bình luận về sự việc trên, một cán bộ quản trị nguồn nhân lực ngân hàng cho rằng trong bối cảnh này, việc các nhà băng cắt giảm nhân sự là bình thường. "Con số 10% không phải lớn và có nhà băng còn cắt giảm với tỷ lệ nhiều hơn. Nhưng quan trọng là cách hành xử với nhân viên khi thông báo sa thải họ như thế nào. Nếu cách hành xử của SeaBank đúng như những gì bức thư nặc danh tố cáo, tôi e là sau này khi kinh tế phục hồi, SeaBank sẽ khó tìm được người vào làm với mình", vị này nói.

Trong một buổi diễn đàn khu vực về quản trị nguồn nhân lực cách đây nửa tháng tại Hà Nội, ông Lưu Trung Thái - nguyên phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), người đang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán Quân đội (MBS) - cho rằng khi sa thải nên cố gắng hết mình để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhân viên phải ra đi. "Một người tổng giám đốc khi tuyên bố sa thải, cắt giảm nhân sự thì cần tạo dựng một sự công bằng. Quan trọng hơn là phải có sự chân thành để họ hiểu được đây là điều buộc phải làm", ông Thái nhìn nhận.

(Theo Tin nhanh Việt Nam)

[links()]