Số phận sân bay Long Thành sắp được định đoạt?

Google News

(Kiến Thức) - Ý kiến mới nhất của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về xây hay không xây sân bay Long Thành đang rất thu hút dư luận...

“Không xây, sẽ mất lợi thế cạnh tranh”
Theo đó, bên hành lang Quốc hội ngày 27/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Theo Phó Thủ tướng, Định hướng lâu dài cần thiết phải làm sân bay Long Thành để đáp ứng nhu cầu phát triển. Bởi hiện nay, lưu lượng qua các cảng hàng không đã quá tải, trong khi đó, cơ hội mở rộng làm hiện đại ở những địa điểm cũ rất khó khăn. Hơn nữa, trong khu vực chúng ta rất nhiều nơi đã làm cảng hàng không hiện đại, nếu Việt Nam không làm thì không cạnh tranh được, dẫn đến mất lợi thế.
Khi được hỏi về nguồn vốn khủng hơn rất nhiều so với phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì Phó Thủ tướng cho biết, vốn đầu tư dự án đúng là thực sự lớn nên ngân sách chỉ đảm nhận một phần. Vì vậy, phải tính với chủ trương huy động nhiều nguồn khác nhau. “Tất nhiên khi dùng ngân sách thì phải tính toán cụ thể hiệu quả thế nào, an ninh tài chính quốc gia ra sao, an ninh nợ công ra làm sao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 Phối cảnh sân bay Long Thành.
Nói về sự băn khoăn của các đại biểu cũng như cử tri về việc tốn kém trong khi nợ công đang rất lớn, Phó Thủ tướng thừa nhận: “Lo ngại của đại biểu là có lý”. Tuy nhiên, ông Ninh cũng phân tích rạch ròi về thực tế này: “Ở đây chúng ta tính bài toán lâu dài, làm sao hiệu quả nhất. Vay về để đầu tư, quan trọng nhất là làm ăn hiệu quả, trả được nợ. Nợ công trên GDP chỉ là một chỉ tiêu rất quan trọng nhưng chưa phải là quan trọng nhất. Có những nước nợ công đến 100% GDP nhưng vẫn “khỏe mạnh”, an toàn, không có vấn đề gì. Nhưng có những nước chỉ vay 20-30% nhưng vẫn vỡ nợ vì không trả được. Đi vay có trả được nợ hay không mới là chỉ tiêu quan trọng. Như trong một gia đình nếu đi vay, làm ăn tốt, trả được nợ thì phát triển. Còn nếu đi vay, không trả được nợ thì vỡ nợ thôi”.
Trước những ý kiến mới nhất của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong kỳ họp Quốc hội, nhiều luồng dư luận cho rằng, dường như số phận của sân bay Long Thành sắp được định đoạt, trong đó, nhiều khả năng sân bay này sẽ được cho phép xây dựng.
Chi phí đắt đỏ “bất thường”?
Trao đổi trên báo Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Giảng viên khoa Vận tải - Kinh tế, chuyên gia về đánh giá tác động giao thông (trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội), đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước mức chi phí được đề ra nhằm xây dựng sân bay Long Thành. Cụ thể, ông Minh so sánh, chi phí xây dựng bình quân một sân bay cỡ vừa trên thế giới vào khoảng 81 USD/hành khách như Sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) chỉ có suất đầu tư khoảng 90 USD/hành khách; Sân bay Changi của Singapore (thường xuyên được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới) chỉ có mức đầu tư 101 USD/hành khách. Trong khi đó, theo số liệu công bố tại thời điểm hiện tại, chi phí xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I là 156 USD/hành khách (7.8 tỷ USD cho khoảng 50 triệu hành khách). Suất đầu tư này tăng lên tới 180 USD/hành khách (18 tỷ USD cho 100 triệu hành khách giai đoạn III).
Hiện tại chi phí xây dựng sân bay Long Thành đang được đề xuất cao ở mức khác thường, đắt gấp đôi chi phí xây dựng sân bay bình quân trên thế giới (đã tính đến trượt giá của đồng đô la Mỹ theo thời gian). Tính cho giai đoạn III, nếu so với sân bay thuộc loại tốt nhất thế giới Changi tại Singapore, chi phí xây dựng sân bay Long Thành cao hơn tới 77%, và so với sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan, chi phí của ta cũng cao gấp 100%! Theo ông Minh, chi phí này so với các sân bay thế giới là một sự khác biệt đến... kinh ngạc!
Cũng theo ông Minh thì Trên thế giới chỉ có hai trường hợp là sân bay Kansai và Hongkong là có chi phí xây dựng lớn hơn 20 tỷ USD, do các yếu tố đặc biệt về vị trí địa lý/địa chất (Kansai) và các không chế về quỹ đất/giá đất rất đắt đỏ (Hồng Kông).
Lê Thịnh (tổng hợp)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Vi Ma -

Chỗ mình sắp có sân bay af? Hay quá ta.

Hiển thị thêm bình luận