Tại sao sếp lớn tập đoàn Nhà nước liên tục bị “trảm”?

Google News

Hàng loạt Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các tập đoàn Nhà nước liên tục bị "trảm", thậm chí phải đứng trước vành móng ngựa.

- Thời gian gần đây, hàng loạt Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các tập đoàn Nhà nước liên tục bị “trảm”, thậm chí phải đứng trước vành móng ngựa.

Nắm trong tay những tập đoàn lớn nhất nhì cả nước, là bộ mặt của nền kinh tế nhưng những “sếp lớn” lại thể hiện yếu kém trong điều hành. Do vậy, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, hàng loạt các vị Chủ tịch, Tổng giám đốc đã phải “về vườn”.

Chủ tịch HUD bất ngờ mất chức

Việc ông Nguyễn Đăng Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bị điều chuyển giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản thực sự là cú sốc đối với Tập đoàn này.

Trước đó, ngày 26/10, Bộ Xây dựng cũng ra quyết định quyết định số 988/QĐ-BXD chuyển ông Nghiêm Văn Bang hiện là Tổng giám đốc HUD tạm quyền Chủ tịch HĐTV HUD.

Ông Nghiêm Văn Bang (bên trái)
Ông Nghiêm Văn Bang (bên trái)

Việc điều chuyển ông Nam được xem như bị giáng chức bởi trong hệ thống quản lý cán bộ hiện nay, thông thường một cán bộ sẽ được điều chuyển đến một vị trí cao hơn hoặc tương đương nhưng trường hợp của ông Nguyễn Đăng Nam đang là Chủ tịch Tập đoàn được chính Thủ tướng ký bổ nhiệm, nay điều chuyển về làm Cục phó Cục Quản lý nhà.

Bộ Xây dựng lý giải lý do điều chuyển vì liên quan tới Quyết định số 1428 ký ngày 2/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ xác định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn HUD.
 
Trong báo cáo gần đây nhất, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng về phương án tái cơ cấu hai tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có Tập đoàn HUD, Bộ Xây dựng đánh giá tỷ suất lợi nhuận trên/vốn chủ sở hữu đạt thấp và giảm sút nhiều so với trước khi tham gia tập đoàn. Cụ thể, Công ty mẹ Tập đoàn HUD, tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu năm 2009 trước khi tham gia Tập đoàn đạt 15,96%, năm 2010 là 12,48%, tới năm 2011 chỉ còn 4,94%.

Miễn nhiệm “tướng” EVN vì điều hành yếu

Trước đó, tháng 2/2012, Chủ tịch EVN - ông Đào Văn Hưng cũng bị miễn nhiệm chức vụ. Nguyên nhân ông Hưng “về vườn” là do trong quá trình lãnh đạo EVN, hoạt động của EVN trong nhiều lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả. Một trong những ví dụ là những yếu kém trong việc kinh doanh, sản xuất của EVN Telecom. Trách nhiệm cụ thể của ông Đào Văn Hưng và các cá nhân có liên quan sẽ được làm rõ, thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Chính phủ.

Ông Đào Văn Hưng bị miễn nhiệm chức vụ vì điều hành yếu kém
Ông Đào Văn Hưng bị miễn nhiệm chức vụ vì điều hành yếu kém

Năm 2005, EVN Telecom đã bỏ ra 3.000 tỷ đồng để phát triển mạng thông tin di động CDMA nhưng sau 5 năm phát triển, đến năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt khoảng 2.000 tỉ đồng, lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần trong khi hệ số an toàn chỉ cho phép là 3 lần.

Nợ phải trả của đơn vị này cũng là con số “khủng khiếp” khi lên tới 7.760 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 1.586 tỉ đồng. Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVN Telecom chỉ còn 31%. Mức thua lỗ này đã khiến EVN Telecom không có khả năng cân đối toàn bộ chi phí vận hành, chi phí đầu tư mạng lưới, các khoản vốn và lãi vay cho các dự án đầu tư. Ở lĩnh vực đầu tư chứng khoán, đơn vị này cũng thua lỗ nặng.

“Vết nhơ” Vinashin

Đình đám nhất trong các Tập đoàn nhà nước phải kể đến Vinashin dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập đoàn là ông Phạm Thanh Bình từ năm 2003 - 2010.

Nguyên Chủ tịch tập đoàn Vinashin, ông Phạm Thanh Bình
Nguyên Chủ tịch tập đoàn Vinashin, ông Phạm Thanh Bình

Không chỉ bị mất chức vụ, ông Bình còn phải đứng trước vành móng ngựa với mức án 20 năm tù giam do những sai phạm lớn gây ra trong thời gian lãnh đạo Vinashin.

Cụ thể, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Vinashin đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính, thành lập gần 200 công ty con không đủ năng lực sản xuất kinh doanh, đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy, đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Cũng theo kết luận của Ủy ban, Vinashin vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án, các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán. Bộ máy quản lý vốn Nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc tập đoàn thiếu năng lực.

Ông Phạm Thanh Bình còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trái quy định của Đảng và Nhà nước. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những sai phạm của ông Bình trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Các khoản nợ của Vinashin rất lớn, mất khả năng thanh toán. Đến nay, nợ quá hạn và đến hạn không có khả năng thanh toán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm, các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng.

Không chỉ HUD, EVN, Vinashin, trước đó, nhiều tướng lĩnh của các tập đoàn nhà nước cũng bị cách chức do điều hành yếu kém, như trường hợp của ông Trần Kiên Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, bị Thủ tướng cách chức năm 2008 do vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian làm Giám đốc Công ty Cao su Tân Biên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Năm 2009, ông Đoàn Văn Kiển, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có đơn từ chức gửi Thủ tướng. Trước đó, ông Đoàn Văn Kiển đã nhận quyết định kỷ luật cảnh cáo về Đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng quản lý làm thất thoát hàng triệu tấn than…

Nguyên Đan (tổng hợp)

[links()]