UBND tỉnh Quãng Ngãi mới đây bày tỏ mong muốn được thành lập mô hình đặc khu kinh tế Dung Quất hoặc TP Dung Quất. Theo lý giải của UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc này tạo ra mô hình quản lý đủ mạnh, nhằm tập trung giải quyết hai nhiệm vụ quan trọng của Khu kinh tế Dung Quất hiện nay là quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Mô hình mới này cũng là để thử nghiệm các thể chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, gắn kết quản lý kinh tế với xã hội, môi trường, an sinh xã hội; qua đó có thêm kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực sâu hơn.
Khu kinh tế Dung Quất được thành lập vào năm 1996 với dự án động lực là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, tính đến hết năm 2013, đã có 113 dự án đầu tư vào đây với tổng vốn đăng ký khoảng 140.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD). Trong đó, 19 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 3,94 tỷ USD.
|
Khu kinh tế Dung Quất. |
Ngoài Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hiện tại ở Dung Quất còn có một số dự án FDI lớn như: DoosanVina, Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Thép Guang Lian... Trong đó, dự án DoosanVina đang sản xuất kinh doanh rất thành công, VSIP Quảng Ngãi thu hút khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, còn Thép Guang Lian với vốn đầu tư 3 tỷ USD vẫn đang trong quá trình chuyển đổi nhà đầu tư và xin nâng công suất và vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD.
Ngoài 3 dự án lớn trên, tỉnh Quảng Ngãi cũng rất kỳ vọng vào dự án Nhiệt điện Dung Quất, do tập đoàn Semcorp (Singapore) đầu tư, quy mô 1.200 MW, với vốn khoảng 2 tỷ USD.
Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng đang nỗ lực "kéo" Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) vào đầu tư Cụm Khí - Điện tại tỉnh này. Tập đoàn này hiện đang xúc tiến kế hoạch đầu tư một cụm khí - điện với vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD ở Việt Nam và cũng từng đến tỉnh Quảng Ngãi để tìm kiếm cơ hội đầu tư, với các địa điểm nằm trong Khu kinh tế Dung Quất. Chỉ cần dự án này được cấp chứng nhận đầu tư, tham vọng thu hút 13 tỷ USD vào năm 2015 và 16 tỷ USD vào năm 2020 của Khu kinh tế Dung Quất sẽ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Phong (Khánh Hòa) thì Chính phủ chưa đặt vấn đề xem xét thành lập các đặc khu kinh tế ở các khu vực khác. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo đề án phát triển 2 đặc khu kinh tế Vân Đồn và Vân Phong đã trình Chính phủ phê duyệt, riêng đề án đặc khu Phú Quốc vẫn đang trong quá trình hoàn tất.
Không phải đến nay Việt Nam mới đặt vấn đề xây dựng các đặc khu kinh tế. Từ năm 1979, đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập với mục tiêu chính là phát triển công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Nhưng đến năm 1991, đặc khu kinh tế này chấm dứt hoạt động để thành lập địa danh hành chính mới là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do mô hình đặc khu không đem lại lợi ích khác biệt. Sau đó, Việt Nam đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế ven biển với 18 khu được quy hoạch. Trong đó, 15 khu đã được thành lập trên tổng diện tích hơn 54.000 ha.
|
Một góc Vân Đồn. |
Trong khi đó, việc xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn hy vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà không phải trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước.
Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 786/2006/QĐ-TTg ngày 31/05/2006.
Cụ thể, huyện đảo Vân Đồn sẽ được xây dựng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và trở thành thành phố biển tiêu biểu với các ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú và hấp dẫn, kết hợp với nuôi trồng, chế biến thủy đặc sản xuất khẩu, trung tâm thương mại, tài chính và là cửa ngõ giao thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế ở Vân Đồn nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Khu kinh tế Vân Đồn là một trong 14 khu kinh tế ven biển của cả nước, có tổng diện tích trên 2.200 km2, trong đó vùng biển rộng hơn 1.600 km2, gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long.
Vân Đồn là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú, lại nằm ở vị trí địa lý tương đối giống Thâm Quyến khi bắt đầu thành lập đặc khu. Nằm giữa 2 trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Quảng Ninh là Hạ Long và Móng Cái, giáp với Trung Quốc, thị trường này có hàng tỷ dân và từ Vân Đồn có thể tiếp cận 1/4 thế giới sau khoảng 4 giờ bay.
Hiện đang có 79 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 9.800 tỷ đồng cùng với hơn 160 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 1.360 tỷ đồng đang hoạt động tại khu kinh tế này.
|
Quang cảnh khu kinh tế Vân Phong. |
Dự thảo đề án đặc khu kinh tế Vân Phong cũng được trình chính phủ. Trong đó, đặc khu có 16.000 ha mặt đất và 20.000 ha mặt nước, bao gồm bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn, một số đảo nhỏ lân cận, khu đô thị Tu Bông và Khu công nghiệp Vạn Thắng thuộc huyện Vạn Ninh. Đặc khu hành chính kinh tế hoạt động chủ yếu dịch vụ và sẽ là động lực của cả Khu kinh tế Vân Phong. Khánh Hòa xác định đây là nhiệm vụ quan trọng có tính bứt phá kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hình thành, khu bài toán phải giải đó là ổn định đời sống cho gần 50.000 người dân và quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư làm ăn thực thụ trong vùng dự án.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang xúc tiến các bước để hình thành đặc khu hành chính kinh tế. Tính đến thời điểm này, Khu kinh tế Vân Phong thu hút 126 dự án chủ yếu khu vực phía Nam Khu kinh tế.
|
Một góc Phú Quốc. |
Còn đặc khu kinh tế Phú Quốc đang trong quá trình hoàn thiện để trình chính phủ. Đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ được tổ chức theo mô hình Chính quyền đô thị hai cấp hành chính đó là cấp đặc khu và cấp phường không tổ chức HĐND, có quy định cụ thể về chức năng, quyền hạn của cấp ủy, chính quyền đặc khu đồng thời hợp nhất một số phòng, ban theo hướng tinh gọn.
Trong năm 2014 là giai đoạn khởi động xây dựng và hoàn thiện các thể chế văn bản pháp luật; xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng trên đảo. Sau 2015 là giai đoạn tăng tốc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ vui chơi, giải trí, tài chính, ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực.
Hải Sơn (tổng hợp)