BIDV - chủ nợ lớn nhất của HAGL
Trong giai đoạn ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ tháng 5/2012 đến tháng 8/2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) ngày càng nhiều. Cụ thể, nợ vay tại Ngân hàng BIDV của HAGL liên tục gia tăng từ 3.096 tỉ đồng tại ngày 31/12/2012 lên 10.704 tỉ đồng ngày 30/6/2016, tăng gần 3,5 lần.
Theo báo cáo tài chính gần nhất của HAGL trước ngày ông Hà nghỉ hưu (ngày 1/9/2016), tính đến 30/6/2016, doanh nghiệp này có các khoản nợ vay tại Ngân hàng BIDV gồm nợ vay ngắn hạn (1.917 tỉ đồng), vay dài hạn (2.837 tỉ đồng) trái phiếu phát hành (5.900 tỉ đồng). Thời điểm này ghi nhận Ngân hàng BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL.
Sau khi HAGL phát hành thành công 950 tỉ đồng trái phiếu cho Ngân hàng BIDV vào tháng 9/2013, doanh nghiệp của bầu Đức đã liên tục phát hành trái phiếu cho nhà băng này trong những năm tiếp theo, khi ông Hà vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Sự gia tăng dư nợ vay của HAGL tại Ngân hàng BIDV được đóng góp bởi các khoản phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Dưới đây là thống kê mục đích và tài sản thế chấp các đợt phát hành trái phiếu của HAGL cho Ngân hàng BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà.
|
Thống kê các đợt phát hành trái phiếu của HAGL cho Ngân hàng BIDV dười thời ông Trần Bắc Hà điều hành. Nguồn: Phan Quân tổng hợp |
Mục đích phát hành trái phiếu của HAGL chủ yếu là cơ cấu nợ; trồng cao su và cọ dầu chưa đóng góp nhiều cho doanh thu
Theo như tổng hợp, mục đích của các đợt phát hành trái phiếu của HAGL cho ngân hàng BIDV chủ yếu để cơ cấu lại các khoản nợ của công ty này và bổ sung vốn hoạt động, với 3.950 tỉ đồng trên tổng số 5.900 tỉ đồng trái phiếu phát hành của HAGL cho Ngân hàng BIDV.
Riêng trong năm 2014, HAGL thực hiện hai đợt phát hành trái phiếu vào tháng 3 và tháng 12 nhằm đầu tư vào các hoạt động sản xuất như nuôi bò thịt, dự án trồng cao su, cọ dầu. Tuy nhiên, trong hiệu quả của các dự án cọ dầu và cao su của HAGL đến thời điểm này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Cập nhật kết quả kinh doanh của HAGL trước thời điểm ông Trần Bắc Hà nghỉ hữu, trong 6 tháng đầu năm 2016, HAGL ghi nhận doanh thu mảng bò đạt 1.864 tỉ đồng, gấp 2,4 lần cùng kì năm 2015, doanh thu từ cao su gần 16 tỉ đồng, giảm 86%. Do biên lợi nhuận của hoạt động chăn nuôi bò giảm và chi phí tài chính tăng mạnh, HAGL báo lỗ sau thuế 1.191 tỉ đồng.
Tính đến 30/9, tổng kinh phí đầu tư cho dự án phát triển cao su và cọ dầu của HAGL đạt gần 9.400 tỉ đồng. Nhưng hai dự án này vẫn chưa đóng góp nhiều trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Thế chấp bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền tại Lào, Campuchia, cổ phần của bầu Đức
Tài sản thế chấp của những đợt phát hành trái phiếu của HAGL chủ yếu là quyền thuê đất và tài sản gắn liền trên đất của những công ty con của HAGL tại Lào và Campuchia như Công ty TNHH Công nghiệp - Nông nghiệp cao su Hoàng Anh - Quang Minh (HAQM), Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu, Công ty TNHH MTV Hoàng Anh Andong Meas, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu (HAA).
Tháng 5/2017, CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (Mã: SBT) chi ra 1.330,1 tỷ đồng để mua lại 815 tỷ vốn góp – tức 100% vốn điều lệ của Cty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar). Được biết, HAGL Sugar là pháp nhân được thành lập tại Việt Nam để đầu tư vào Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu – đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía của Tập đoàn HAGL tại tỉnh Attapeu, Lào.
Bên cạnh quyền thuê đất và tài sản gắn liền, tài sản thế chấp của đợt phát hành trái phiếu 2.150 tỉ đồng vào tháng 7/2015 còn là 45 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAGL. Từ tháng 7/2015 đến nay, giá cổ phiếu HAG mất hơn 73% giá trị khi giảm từ 19.200 đồng/cp về còn 5.150 đồng/cp ngày 30/11.
|
Diễn biến giá cổ phiếu HAG từ ngày 1/7/2015 đến ngày 30/11/2018. Nguồn: VNDIRECT. |
Theo Kinh tế & Tiêu dùng