Từ sáng 3/10, 6 thứ trưởng và 5 tổng cục trưởng của Bộ Tài chính bắt đầu đi làm bằng taxi hoặc tự lái xe đến trụ sở làm việc. Đây là cơ quan đầu tiên áp dụng cơ chế khoán xe công đối với một số chức danh.
Sáu lãnh đạo Bộ sẽ nhận khoán tiền sử dụng xe công mỗi tháng từ 3,96 triệu đồng đến 9,9 triệu đồng/người cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày.
Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí và Thứ trưởng Trần Xuân Hà sẽ có mức khoán kinh phí sử dụng là 9,9 triệu đồng (với số km khoán tương đương là 15 km/lượt).
|
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Đầu Tư. |
Thứ trưởng Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Trần Văn Hiếu được áp dụng mức kinh phí sử dụng xe công là 5,28 triệu đồng, tương đương với số km đi là 8 km/lượt. Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải được áp dụng mức khoán thấp nhất với số tiền 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại là 6 km/lượt.
Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, người có mức khoán kinh phí sử dụng cao nhất chia sẻ đi làm bằng taxi cũng thoải mái bởi đều là ôtô. Ông ký hợp đồng thuê theo tháng luôn cho tiện.
"Khi chúng tôi thí điểm việc này, có người nói đi taxi không đảm bảo an ninh, an toàn. Nói thế thì hàng ngày người dân vẫn đi lại bằng taxi thì sao? Chẳng lẽ thứ trưởng là công dân loại A, loại B à", ông Tuấn nêu quan điểm.
Trước ý kiến về việc xe biển xanh chạy thẳng đại sảnh Bộ Tài chính còn với taxi, thứ trưởng phải đi bộ vào cơ quan, ông Tuấn cho rằng đó không phải là vấn đề.
“Khi đã áp dụng quy định trên, Bộ Tài chính hay các Bộ khác có thể nói với bảo vệ cơ quan là hàng ngày có chẳng hạn 6 xe taxi đưa đón các thứ trưởng… là các ông ấy cho vào hoặc tới nơi để cho người ta nhìn mặt là được. Bảo vệ cơ quan sao mà không nhớ mặt thủ trưởng”, ông phân tích.
|
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí tới nơi làm việc bằng taxi sáng 3/10. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định khoán đưa đón các Thứ trưởng từ nhà tới cơ quan chỉ là bước đầu, sau này Bộ sẽ mở rộng ra nhiều hình thức khác.
Cụ thể, tới đây các Thứ trưởng đi họp Quốc hội chẳng hạn thì sẽ có các phù hiệu trên xe rồi quy định xe nào có phù hiệu đó thì mới cho vào. Bảo vệ nào thấy phù hiệu mà không cho vào thì bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ.
Trước việc một số cán bộ thuộc diện áp dụng cơ chế khoán xe công tự túc bằng cách sử dụng xe cá nhân như Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, ông Anh Tuấn đánh giá khoán xe là để tự lo việc đi lại. Ai muốn đi xe của cá nhân cũng được miễn là hợp pháp.
"Nếu xe của gia đình người ta thì không sao chứ nếu họ lợi dụng xe của doanh nghiệp, đi xe của doanh nghiệp để giải quyết vấn đề chung thì lại là vi phạm và sẽ bị xử lý", ông nói.
Vị này cho rằng về lâu dài chúng ta nên khoán luôn cho tất cả như Quốc hội đã khoán cho mỗi người 10 triệu đồng/tháng để họ tự túc phương tiện đi lại. Khi đã khoán rồi không có ký số nữa, mỗi tháng cộng một khoản cố định vào tiền lương cho họ thì sẽ dôi dư ra nhiều xe công.
Cũng theo vị này, các nước G7, G20 chẳng đâu trang bị xe công như Việt Nam. Như ở Trung Quốc, xe thứ trưởng khoảng 800 triệu đồng/chiếc. Sau 3 năm sử dụng, họ khấu hao theo quy định của nhà nước rồi bán luôn cho người sử dụng với giá khoảng 600 triệu đồng, để họ tự đổ xăng, tự thuê người lái xe, hàng tháng nhà nước trả thêm 10 triệu đồng.
“Vấn đề đặt ra là không chỉ ôtô, chúng ta phải cải cách nhiều chi tiêu đi và cố gắng khi áp dụng cái gì đó mới đừng biến nó thành khó khăn, phức tạp. Quan trọng là tìm ra cái nào hiệu quả nhất. Chúng tôi cứ làm thí điểm một tháng đã, xong rồi rút kinh nghiệm những cái còn gây bất tiện để làm tiếp tốt hơn”, ông nói.
Theo Zing.vn