Thương vụ mua bán nào “ầm ĩ” nhất năm 2013?

Google News

(Kiến Thức) - Bên cạnh những hợp đồng mua bán trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ đô, còn có nhiều thương vụ chuyển nhượng rầm rộ diễn ra trong năm 2013.

VietjetAir mua gần 100 máy bay trị giá 9,1 tỷ USD
Ngày 25/9, tại dinh thự Thủ tướng Pháp tại Paris, Hãng hàng không VietJetAir của Việt Nam và hãng sản xuất máy bay Airbus ký thỏa thuận nguyên tắc (MOU) về đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại dành cho VietJetAir (trong đó đặt mua 92 chiếc và thuê 8 chiếc). Theo VietJetAir, đơn đặt hàng này đảm bảo cho kế hoạch phát triển đội máy bay mới, hiện đại bậc nhất khu vực và phục vụ kế hoạch xây dựng tập đoàn hàng không đa quốc gia của hãng này.
Theo mức giá chính thức của Airbus thì giá trị giao dịch cho đơn đặt hàng này vào khoảng 9,1 tỷ USD, riêng giá trị mua vào khoảng 8,6 tỷ USD. Những chiếc máy bay đầu tiên sẽ được giao hàng ngay trong năm 2014.
 Một chiếc A320 Sharklet của VietJetAir.
Ngay sau khi thông tin mua gần 100 máy bay của VietJetAir được phát tán rộng rãi, hãng hàng không này trở thành tâm điểm của dư luận. Nhiều người băn khoăn VietJetAir lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để thực hiện thương vụ "khủng".
Trả lời báo với về vấn đề này, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJetAir cho biết: VietJetAir thỏa thuận với Airbus là nhận máy bay theo từng quý, từng năm, tiến độ thanh toán rải đều trong 9 năm, chứ không phải cùng một lúc. Về nguồn tài chính, VietJetAir đã chuẩn bị kỹ càng tất cả các phương án trước khi đặt bút ký thỏa thuận. Số tiền vay từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20% trong gói tài trợ mua máy bay; còn lại phần lớn là từ nguồn tài trợ tín dụng xuất khẩu của các nước. Ngoài ra, còn có các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu, hoặc hình thức khác như bán và thuê lại và có thể từ nguồn khác, cũng đang xem xét là từ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Vietnam Airlines mua động cơ trị giá 1,7 tỷ USD
Cũng trong ngành hàng không, ngày 28/10, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký kết hợp đồng mua động cơ máy bay của Tập đoàn General Electric (GE), Mỹ với trị giá 1,7 tỷ USD.
 Ảnh: Internet.
Theo hợp đồng, Vietnam Airlines sẽ mua 40 động cơ GEnx mới của GE, dùng cho đội tàu bay Boeing 787 Dreamliners, dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2015. GEnx là một trong những động cơ phản lực tiên tiến nhất hiện nay, chế tạo từ vật liệu composite sợi carbon có độ bền cao hơn và dễ dàng bảo trì...
Theo ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hợp đồng này sẽ giúp Vietnam Airlines nâng cao chất lượng dòng tàu bay Dreamliners 787-9, giúp dòng máy bay Dreamliner khai thác hiệu quả hơn.
Tập đoàn IAG mua Bảo hiểm AAA
Trong thông báo của Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA hồi tháng 8/2013, công ty này cho biết, bà Đỗ Thị Kim Liên đã rút toàn bộ vốn (30% cổ phần) tại AAA dưới hình thức bán cổ phần cho Tập đoàn bảo hiểm nổi tiếng Australia Insurance Australian Group (IAG).
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên của AAA diễn ra vào ngày 26/7, bà Liên chính thức từ nhiệm Chủ tịch HĐQT, ông Justin Paul Breheny - đại diện của IAG làm Chủ tịch mới của công ty này.
Bà Đỗ Thị Kim Liên và Jon Delalande. Ảnh: vccinews.vn
Sự kiện này đã giúp IAG nâng tỉ lệ sở hữu của tập đoàn này tại AAA từ 30% lên 60,9%, chính thức chuyển AAA thành một thành viên của IAG tại Việt Nam.
IAG gia nhập vào AAA từ tháng 6/2012 sau khi mua 30% cổ phần phát hành thêm của công ty này với mức giá công bố vào thời điểm đó là 20 triệu USD. Ngay sau đó, IAG cử 4 đại diện tham gia vào HĐQT của AAA. Đến tháng 3/2013, bà Đỗ Thị Kim Liên tuyên bố nghỉ hưu và nhường lại ghế Tổng Giám đốc AAA cho ông Jon Delalande - đại diện của IAG nhưng vẫn giữ lại ghế Chủ tịch HĐQT.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, cơ cấu lãnh đạo mới của AAA phần lớn đều là người nước ngoài. Ngoài IAG còn có BankInvest (Đan Mạch), Tập đoàn Tái Bảo hiểm Aon Benfied, Tập đoàn Assist - Card International (Thụy Sĩ), International Medical Group (IMG)...
Tỷ phú Thái Lan mua lại chuỗi bán lẻ miền Bắc
Hồi cuối tháng 6/2013, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ FamilyMart tại Việt Nam.
Việc mua lại này được tiến hành thông qua công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan). Lời đồn đoán về thương hiệu bán lẻ này của Nhật sắp rút khỏi thị trường đang dần trở thành hiện thực khi một số cửa hàng FamilyMart tại TP.HCM đã được đổi tên thành B's mart (B là ký tự đầu tiên của tập đoàn BJC).
 Chuỗi cửa hàng FamilyMart giờ đây là của tỷ phú Thái Lan. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư. 
Theo đại diện TCI, chuỗi bán lẻ B's mart dự kiến sẽ mang lại nguồn doanh thu ít nhất là 5 tỷ bath (hơn 3.300 tỷ đồng) trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt, hơn 70% hàng hóa tại đây sẽ có xuất xứ từ Thái, còn lại là hàng Việt Nam.
Đầu năm 2013, tập đoàn BJC chi 32 triệu USD (hơn 670 tỷ đồng) để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.
Ngoài ra, năm 2008, tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi này còn thành công trong việc mua lại chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi, chuỗi nhà hàng này cũng đã xuất hiện tại Hà Nội.
Tỷ phú người Thái còn lộ rõ ý đồ thâu tóm khách sạn Melia Hà Nội. Tập đoàn TTC Land của tỷ phú người Thái này đang nắm giữ 65% cổ phần khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.
Minh Phương (tổng hợp)