Tiềm năng của công nghiệp "vàng đen" tại Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Ngành công nghiệp sô cô la Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ những nguồn đầu tư đúng đắn từ nước ngoài cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ.

Khi nhắc về các món ăn nổi tiếng của Việt Nam, các du khách trong và ngoài nước thường nghĩ tới phở, lúa gạo... nhưng ít người nghĩ đến một món ăn đầy tiềm năng đó là sô cô la.

Nhờ những ưu đãi về thiên nhiên nhiệt đới phong phú, cây cacao tại Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ và đạt chất lượng hàng đầu thế giới.
Samuel Maruta và Vincent Mourou quốc tịch Pháp là 1 trong những người đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực sô cô la ở Việt Nam. Họ đã thành lập ra công ty Marou chuyên sản xuất các loại sô cô la thủ công hảo hạng. Công ty Marou được thành lập 3 năm trước tại TP HCM và nhanh chóng trở thành một trong những nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam và đang trên đà xuất khẩu ra thế giới.

 Anh Vincent Mourou đang kiểm tra chất lượng hạt cacao được trồng tại Việt Nam.
Các cánh đồng cacao chủ yếu tập trung tại các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bởi nơi đây có diện tích lớn, nhân công chăm sóc dồi dào và thiên nhiên nhiệt đới ưu đãi. Anh Mourou miêu tả hạt cacao tại Việt Nam như loại vàng đen giá trị lớn được chăm sóc bởi bàn tay của những nghệ nhân lão luyện.
Theo như những số liệu thống kê, khoảng 10 năm trước, cả Việt Nam chỉ có 2.000 ha trồng cacao giờ đây con số đó đã phát triển lên tới 54 ha. Cây cacao mất khoảng 3 năm phát triển rồi bắt đầu cho hạt. Người dân cứ đến vụ lại nô nức đi thu hoạch nửa tấn cacao mỗi vụ, đem lại nguồn thu khổng lồ khoảng 1.000 USD cho mỗi hộ gia đình.
Cây cacao vốn không hề xa lạ với người Việt Nam. Thực dân Pháp đã sớm mang loại cây này vào trồng tại nước ta từ những năm 1800 cùng hạt cafe, hạt điều, hạt tiêu... Đến năm 1980, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, cây cacao ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhờ những công nghệ tiên tiến của nước bạn đã hỗ trợ. Rất tiếc đến năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, các thương nhân Nga lần lượt rút khỏi Việt Nam và cây cacao bị đốn thay thế cho các cây công nghiệp khác.
Ngành công nghiệp sô cô la tại Việt Nam chỉ mới trở lại mấy năm gần đây do nhu cầu sử dụng của khách hàng tăng cao. Chất lượng sô cô la cũng được đặt lên hàng đầu với dàn thiết bị chế biến hiện đại do các thương nhân nước ngoài đầu tư, điển hình như hãng Marou do 2 doanh nhân người Pháp chuyên cung cấp các loại sô cô la cao cấp cho thị trường Anh, Pháp, Mỹ. Tuy nhiên tại Việt Nam, người dân vẫn ưa thích các loại sô cô la có giá trung bình như Oreos hay Kit Kats...
Hải Đăng (theo Salt)