Anh M., công nhân làm việc tại Công ty Việt Phú, cho biết: Sáng 23/7, đến công ty làm việc thì thấy bảng có dán thông báo: Hiện nay, tại phân xưởng PP - Nhà máy sản xuất Bao bì Việt Phú - đã hết mùa vụ sản xuất nên sản lượng và doanh thu thấp. Công ty lại đang gặp khó khăn nên chưa trả lương kịp thời cho người lao động (NLĐ)... công ty trả lương cho công nhân bằng phiếu mua hàng nội bộ tại Trung tâm thương mại Ông Bố (thuộc Công ty Việt Phú - PV).
Theo đó, đối với cán bộ, nhân viên khối gián tiếp chỉ được nhận 50% lương, còn lại nhận lương qua phiếu mua hàng nội bộ. Đối với công nhân lao động trực tiếp nhận lương 70% lương, còn lại 30% nhận lương bằng phiếu mua hàng nội bộ.
Cũng trong sáng 23/7, sau khi dán thông báo, công ty chuyển 50%-70% (tùy từng vị trí làm việc) lương vào tài khoản của NLĐ, số tiền 30%-50% lương còn lại được công ty giữ.
|
Thông báo người lao động chỉ được trả 70% lương của Công ty Việt Phú. |
“Việc Công ty Việt Phú
tự ý giữ lương của người lao động là vi phạm pháp luật. Chúng tôi là công nhân, thu nhập mỗi tháng chỉ 2,6-3 triệu đồng, có nhiều khoản phải chi tiêu, nhưng nay công ty giữ lại 30% - 50% lương thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn”, anh M. bức xúc.
Ông Đỗ Duy Kim, Trưởng phòng Tổ chức hành chính công ty, cho biết: Hiện công ty đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa chi trả kịp lương cho NLĐ.
Việc làm trên của công ty là để NLĐ chia sẻ khó khăn với công ty trong giai đoạn tài chính khó khăn. Việc giữ lại một phần lương chỉ là tạm thời thực hiện trong 3 tháng. Nếu NLĐ nào không đồng ý nhận phiếu mua hàng thì sau 3 tháng, công ty sẽ trả đầy đủ khoản tiền mà công ty đang tạm giữ.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, Công ty Việt Phú đang nợ gần 4 tỷ đồng tiền bảo hiểm, chế độ của người lao động. Ngoài ra, có khoảng 90 trường hợp công nhân nữ nghỉ thai sản, 50 trường hợp ốm đau, bệnh tật vẫn chưa được công ty giải quyết chế độ.
Việc Công ty Việt Phú tự ý giữ lại lương của người lao động và trả lương bằng phát phiếu mua hàng mà chưa được sự đồng ý của người lao động là vi phạm Luật Lao động...
Theo Tiền Phong