Mặc dù không biết rõ tác dụng cũng như thị trường đầu ra cho cây chùm ngây như thế nào, nhưng khoảng 3 năm nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tự phát trồng cây trồng ngây với quy mô lớn. Điều đáng nói là nhiều hộ dân được thương lái Trung Quốc đầu tư từ giống, phân bón cho đến thuốc bảo vệ thực vật sau đó họ bán lại sản phẩm cho thương lái với giả rẻ mạt.
9 giờ sáng, cái nắng ngày hè đã nóng như rang, trong khi nhiều người phải tìm nơi tránh nắng thì dân trồng chùm ngây tại huyện Cẩm Thủy, Yên Định lại hớn hở tỉa lá chùm ngây phơi nắng để kịp bán cho thương lái Trung Quốc. Theo thông tin trong giới buôn chùm ngây thì Thanh Hóa tuy không phải là nơi có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng tốc độ phát triển thì rất nhanh.
Thương lái Trung Quốc đầu tư trồng chùm ngây
Dừng chân bên quán nước ven đường Hồ Chí Minh, cạnh cầu Cẩm Thủy, chúng tôi đã bắt gặp cảnh người dân hối hả chất sản phẩm chùm ngây khô vào bao tải để kịp đưa lên ô tô xuất đi Trung Quốc. Túc trực kho hàng này ngoài một số công nhân còn có 3 thương lái người bản địa và 1 ông chủ người Trung Quốc. Người đàn ông Trung Quốc được một số thương lái Việt Nam giới thiệu là “trùm” đầu tư trồng chùm ngây ở Cẩm Thủy khoảng 50 tuổi, nói tiếng Việt không thông thạo. Người này “giao tiếp” với dân và thương lái khác thông qua các ký hiệu và tiếng Việt “bồi”.
Vừa bước xuống chiếc xe bán tải 4 còn lấm lem bùn đất, ông “trùm” Trung Quốc đi ngay đến kho chứa chùm ngây khô, nơi có 6 công nhân đang làm việc rồi đưa tay bốc nắm lá khô đưa lên mũi ngửi một hơi thật sâu, sau đó, trộn đi trộn lại đống lá như để kiểm tra xem phía dưới có ẩm ướt không rồi gật đầu lia lịa xua tay ra hiệu cho công nhân tiếp tục làm việc, còn gã thì ra bàn cà phê ngồi cắm mặt vào chiếc điện thoại, thỉnh thoảng vung tay giao tiếp với các thương lái bản địa bằng ký hiệu và thứ ngôn ngữ Việt – Trung lẫn lộn.
|
Công nhân tại một đại lý thu mua chùm ngây tại huyện Cẩm Thủy đang khẩn trương bốc hàng đưa đi Trung Quốc. |
Ông Trịnh Văn Phượng, một thương lái buôn bán chùm ngây tại xã Cẩm Phong tiết lộ: Người đàn ông Trung Quốc chính là một trong những “ông trùm giấu mặt” sau các cánh đồng chùm ngây tại huyện này từ vài năm nay. Theo đó, các thương lái Trung Quốc sẽ đầu tư giống, phân bón, công nghệ, thuốc bảo vệ thực vật... để nông dân trồng cây chùm ngây. Sau vài tháng trồng, chăm sóc, nông dân sẽ bán lại sản phẩm là lá cây chùm ngây ngược lại cho thương lái Trung Quốc với giá 6.000đ/kg tươi và 100.000đ/kg lá khô.
Theo ông Phượng thì giống cây chùm ngây được trồng trên địa bàn Cẩm Thủy có nguồn gốc từ một số tỉnh Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa... Giống được các ông “trùm” trực tiếp móc ngoặc với các đầu mối phía Nam để tuồn cây ra, còn giá cả cây giống đắt hay rẻ thì không ai biết.
Chị Nguyễn Thị Mừng, một người dân trồng cây chùm ngây ở huyện Cẩm Thủy cho biết: “Chúng tôi không cần biết giá giống thế nào, miễn là có người cho giống, phân bón... mà chúng tôi không phải bỏ tiền túi ra là được rồi. Hiện giá các loại phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật rất đắt, nhiều sản phẩm chúng tôi làm ra sau khi đã trừ chi phí đi rồi gần như không có lãi, nếu có thì rất ít. Bây giờ có người đầu tư cho những thứ đó thì mặc dù tổng giá trị/sào đất so với cây trồng khác tuy thấp hơn, nhưng lợi nhuận lại cao hơn, cho nên chúng tôi vẫn làm”.
Nhiều người dân trên địa bàn huyện Cẩm Thủy tiết lộ: Các thương lái Trung Quốc không đưa phân bón, giống trực tiếp đến tay người dân mà thông qua một công ty trung gian. Công ty trung gian này là người Việt Nam phụ trách việc phân phát, cây giống, phân bón đến tay người dân, đồng thời giúp các thương lái Trung Quốc thu mua sản phẩm của người dân rồi ăn tiền chênh lệch và hoa hồng.
|
Những cánh đồng chùm ngây đang được người dân trồng tự phát.
|
Bóc lột nông dân
Mới nghe nói nhiều người tưởng người sẽ được hưởng lợi vì tiền giống, phân bón, công nghệ... đều do người nước ngoài bỏ ra, dân chỉ bỏ đất và công chăm sóc. Tuy nhiên, thực chất việc đầu tư này là bóc lột sức lao động của người dân, thu mua các sản phẩm do họ làm ra với giá rẻ mạt.
Cụ thể, theo thông tin mà phóng viên có được thì giá của loại cây chùm ngây đang được các công ty trong nước thu mua để chế biến thành phẩm (rau ăn, thực phẩm chức năng làm đẹp, thực phẩm chống suy dinh dưỡng...) với giá 25.000đ/kg tươi gồm cả cành, lá, thân cây (đáng lưu lý là một số công ty trong nước cũng hợp tác với người dân và đầu tư công nghệ, cây giống chất lượng cao để người dân trồng) và 125.000 – 130.000đ/kg lá khô.
Như vậy, thực chất thương lái Trung Quốc đang cấu kết với thương lái địa phương dìm giá chùm ngây xuống mức “không thể thấp hơn” là 6.000đ/kg lá tươi (chỉ mình lá, không bao gồm thân, cành như các công ty trong nước), tức là thấp hơn gần 4 – 5 lần so với giá thực tế đang được các công ty trong nước thu mua.
Theo một thương lái có tiếng tại huyện Cẩm Thủy thì hiện mỗi ngày anh ta có thể thu mua khối lượng khoảng 3 – 4 tấn là chùm ngây khô, tương đương khoảng 10 – 15 tấn lá tươi. Sản phẩm này sau đó không xuất sang Trung Quốc qua ngả Lạng Sơn mà phải đem đi Lào Cai, qua Hà Khẩu để sang được bên kia biên giới.
Trước sự phát triển trên, một số người nghi ngờ rằng đây chính là “chiêu” thức làm ăn của các thương lái Trung Quốc. Theo đó, họ sẽ đứng sau các thương lái trong nước thúc đẩy phong trào trồng chùm ngây đến độ chính quyền không thể kiểm soát được.
Ở giai đoạn đầu họ sẽ bán giống với giá cao ngất ngưởng (hiện tại giống chùm ngây đang được rao bán tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là 17.000 – 20.000đ/1 cây), khi người dân trồng tràn lan, họ sẽ hạ giá thu mua đến mức thấp nhất, lúc đó, người dân sẽ phải bán giá rẻ mạt nếu không muốn vỡ nợ hoặc thua lỗ... giống như trường hợp người dân “chết” vì cây thanh hao hoa vàng và bí đao trước đây. Nếu chính quyền địa phương không nhanh chóng khống chế tình hình sẽ dẫn đến sự bùng phát và mất kiểm soát. Đến lúc đó, người hưởng lợi nhiều nhất chính là thương lái Trung Quốc và người chịu thiệt hại không ai khác ngoài nông dân.
|
Một thương lái Trung Quốc được cho là người “giấu mặt” sau phong trào trồng chùm ngây ở Thanh Hóa. |
Mơ hồ về cây chùm ngây
Mặc dù nhiều nông dân trồng cây chùm ngây đã vài năm nay, nhưng phần lớn trong số họ vẫn mơ hồ về tác dụng cũng như giá trị thật của loài cây mới mẻ này.
Chị Trần Thị Mai, một người dân ở thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy cho biết: “Tôi nghe người ta nói loại cây này có giá trị, họ đầu tư thì tôi trồng. Ai mà biết được họ mua về để làm những gì, có lúc thì nghe người ta nói làm thuốc, lúc thì bảo làm rau ăn... Nhưng chúng tôi không quan tâm lắm, chỉ cần sản phẩm làm ra có người thu mua và có lãi là được”.
Qua vài năm phát triển, tin đồn về giá trị của cây chùm ngây đã lan tỏa ra nhiều nơi. Trong khi đó, nhiều nông dân mặc dù không hiểu biết gì về loài cây trồng mới này đã ồ ạt phá ngô, mía để trồng khiến cho phong trào trồng loại cây này có nguy cơ bùng phát như hiện tượng cây macca cách đây ít lâu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, một nông dân trồng chùm ngây ở huyện Yên Định tính toán: “Chúng tôi thấy người khác làm ăn có lãi nên học theo, ai biết được giống cây này được bán đi những nơi nào. Tôi định đầu tư trồng cây chùm ngây quy mô lớn trong vài năm để “ăn” vào đúng độ cao trào của thị trường, sau đó nếu giá cả cây này có dấu hiệu giảm nhiệt tôi sẽ bỏ ngay để tránh thua lỗ”.
Ông Vũ Xuân Vường, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy xác nhận: “Hiện một số người dân trong xã đã tự phát trồng cây chùm ngây. Xã đã biết chuyện nhưng cứ để họ trồng xem thế nào đã, nếu có lãi thì nhân rộng mô hình, nếu không có lợi thì kêu gọi người dân phá bỏ. Thông tin về việc thương lái Trung Quốc đầu tư giống, phân bón... cho người dân để phát triển vùng nguyên liệu xã chưa biết”.
Quách Dương