Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, hàng Việt “ngồi trên lửa“

Google News

Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp nhất từ năm 2008 đến nay khiến hàng hóa Việt Nam tại thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đứng trước nhiều thách thức.

Trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, đặc biệt khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp nhất từ năm 2008 đến nay khiến hàng hóa Việt Nam tại thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đứng trước nhiều thách thức.
Vậy cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) Việt cần làm gì để giảm rủi ro?
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group: Hàng giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tràn ngập
Trên lý thuyết, đồng tiốc vẫn là USD. Nhưng thực tế lại khác vì hiện mua bán tiểu ngạch, thậm chí cả chính ngạch phần lớn bằng đồng NDT của Trung Quốc. Vì vậy NDT mất giá đồng nghĩa các công ty xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trung Quoc pha gia nhan dan te, hang Viet “ngoi tren lua“
Các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm hành vi đội lốt thương mại. Trong ảnh: Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa vi phạm tại một số trung tâm mua sắm lớn ở TP Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: BCT 
Rủi ro trong kinh doanh là chuyện không thể lường trước vì vậy các nhà kinh doanh Việt cần đa dạng hóa thị trường, tránh bỏ trứng vào một giỏ. Ví dụ, công ty tôi chỉ dành 20% sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại chia đều nhiều thị trường khác nhau như Mỹ, châu Âu... để tránh rủi ro.
Ở chiều nhập khẩu, đồng NDT mất giá kéo theo hàng nông sản, nhất là rau quả từ Trung Quốc giá vốn rẻ sẽ càng rẻ hơn được nhập nhiều vào thị trường Việt Nam. Khi đó nông sản Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất lớn trên sân nhà. Tuy nhiên, các DN Việt Nam đang xây dựng tốt chất lượng, truy xuất nguồn gốc cho rau củ, trái cây trong nước, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Điều quan trọng là cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ nông sản giá rẻ Trung Quốc về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu sản phẩm của họ phải truy nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Lo tôm, cá… hết đường sang Trung Quốc
NDT của Trung Quốc mất giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của các công ty thủy sản Việt Nam. Bởi đồng NDT giảm so với USD, trong khi đồng Việt Nam không giảm có nghĩa đồng NDT cũng mất giá so với tiền Việt Nam. Chính vì vậy, thủy sản xuất sang Trung Quốc sẽ phải giảm giá, giảm lợi nhuận, còn nếu giữ giá bán thì rất khó để cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường Trung Quốc.
Điều khó khăn cho thủy sản Việt Nam là nếu giảm giá thì đồng nghĩa không lãi nhiều, thậm chí lỗ. Vì thế cần sự đồng lòng của các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam để giữ giá. Chứ nếu cứ mạnh ai nấy làm thì chắc chắn sẽ bị nhà nhập khẩu Trung Quốc ép giá, nguy cơ hết đường xuất sang thị trường này.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM: Mạnh tay chặn hàng Trung Quốc núp bóng
Mặt hàng nhựa, cao su của Trung Quốc vốn có lợi thế giá rẻ, khi đồng NDT mất giá, sản phẩm của Trung Quốc sẽ càng lợi thế hơn nếu vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn. Đơn cử mặt hàng lốp xe Trung Quốc sẽ rẻ hơn, lốp xe trong nước sẽ khó có cửa cạnh tranh.
Đáng lo nhất là nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên và nguy cơ hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, nhãn mác vào Việt Nam để tiêu thụ tại nội địa và hưởng ưu đãi xuất xứ khi ra nước thứ ba. Những vụ việc gần đây về giả mạo xuất xứ được phát hiện càng cho thấy rõ điều đó.
Do vậy, cơ quan chức năng cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng: Giảm chi phí bất hợp lý cho người kinh doanh
Lâu nay Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc nên với việc NDT mất giá mạnh thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ khá bất lợi. Điều đó không có nghĩa là tiền Việt phải điều chỉnh theo sự mất giá NDT mà cần tính toán cẩn trọng các tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế để có lợi nhất.
Tất nhiên, duy trì tỉ giá một cách cứng nhắc sẽ không có lợi ở thời điểm này, đặc biệt cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh tỉ giá mạnh quá thì có thể bị xem là hành động thao túng tiền tệ nên cần cẩn trọng. Theo hướng thận trọng, tôi cho rằng tiền đồng có thể mất giá khoảng 3% trong năm 2019 là hợp lý.
Điều tốt nhất lúc này là cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để DN Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với DN Trung Quốc mà cả những DN các khu vực khác. Đặc biệt, cần kiểm soát tốt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là đường tiểu ngạch.
Không để Việt Nam bị cuốn vào chiến tranh tiền tệ
Trong bối cảnh Mỹ vừa cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cho rằng: Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào dòng xoáy chiến tranh tiền tệ nếu có; không nên phá giá đồng tiền vì điều chỉnh tỉ giá liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế (không chỉ liên quan đến xuất khẩu mà còn nhập khẩu, nợ nước ngoài, áp lực lạm phát…) và có thể tăng rủi ro bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ.
Thay vào đó, Việt Nam cần kiên định chính sách tỉ giá chủ động, linh hoạt; tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả nhằm kiểm soát yếu tố tâm lý, rủi ro lan truyền.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lách thuế từ Mỹ. Bởi có thể thấy rõ thái độ cứng rắn của Mỹ về vấn đề thương mại và Mỹ không ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt lên các quốc gia vi phạm.
“Việc Mỹ quyết định tăng thuế đối với một số sản phẩm bị cáo buộc thay đổi xuất xứ để né thuế, như áp thuế mức 456,23% đối với một số loại thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng vật liệu từ Hàn Quốc và Đài Loan là một điển hình” - TS Cấn Văn Lực dẫn chứng.
Không thể phá giá đồng tiền Việt Nam
Với Việt Nam, không thể đặt vấn đề phá giá tiền đồng để thích ứng xuất nhập khẩu. Vì với nợ quốc gia hiện nay, chỉ cần để mất giá 5%-7% thì nợ bằng tiền đồng tăng lên khủng khiếp. Bài toán cân đối phải nằm chỗ khác, đó là trong nhiều năm Việt Nam đã thực hiện được bài toán thoát ly vàng và dần dần thoát ly ngoại tệ. Qua đó để trên đất Việt Nam chỉ có lưu thông bằng tiền đồng và nâng giá trị tiền Việt là con đường chính.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế
Theo Phương Minh/Pháp luật TP HCM