Mới đây Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực (EVN) đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trước 25/3 tới.
Nội dung trên được nêu trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng tại cuộc họp về phương án giá điện năm 2017 diễn ra cuối tháng 2 vừa qua. Theo yêu cầu này, giá điện sẽ được xây dựng theo các kịch bản giá than, khí và bao gồm cả khoản chênh lệch tỷ giá chưa được xử lý theo cơ chế đặc thù, chuẩn mực kế toán quy định.
Bộ Công Thương, EVN cũng được yêu cầu rà soát kế hoạch đầu tư, phương thức huy động vốn để xác định nguồn cho hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu giảm 7,5-10% chi phí thường xuyên của tập đoàn này.
Tập đoàn Điện lực cũng phải rà soát lại các hợp đồng mua bán, nhất là với các nhà máy điện độc lập (IPP) hay BOT, đề xuất giải pháp xử lý trường hợp vượt thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng trong tháng 5/2017.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất trên Zing ngày 30/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay đã quá ngày 25/3, Cục vẫn chưa nhận được kịch bản giá điện 2017 của EVN.
|
Ảnh minh họa: Dân Trí. |
Theo chia sẻ, giải thích của đại diện EVN trên Infonet, vẫn chưa thể trình kịch bản giá điện 2017 vì chưa đủ số liệu đầu vào. Việc lên kịch bản giá điện cho năm 2017 là dựa trên giá than cũ nhưng mới đây ngành than đã tăng giá, làm thay đổi giá đầu vào của điện. Hiện nay EVN vẫn đang chờ kết quả hiệp thương về giá bán điện.
Cũng theo Infonet, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.
Ngoài than, các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm biến động tỷ giá, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng.
Trong khi đó, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn.
Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá điện trong năm nay, nhưng có thể thấy các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện đang gây áp lực tăng giá điện trong năm 2017.
Bên cạnh đó, cũng liên quan tới phương án điều chỉnh giá điện, theo thông tin trên Dân Trí ngày 27/3, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TT, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân được đề xuất từ 6 tháng giảm xuống còn 3 tháng.
Góp ý về dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện (3 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây) và giảm biên độ tối thiểu điều chỉnh giá điện (tăng 3% thay vì 7% so với trước đây) là sự thay đổi phù hợp. Điều này giúp cho giá điện sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn, bám sát diễn biến của các chi phí đầu vào và giúp EVN chủ động hơn trong việc điều hành sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đi kèm với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá như vậy, cũng cần giảm ở mức tương ứng thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá.
Ngoài ra, theo VCCI, dự thảo đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện từ chỗ EVN không được quyết định theo Quyết định 69 đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm. Đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc.
Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến nay, mức độ lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm, nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Như vậy, việc trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm và Bộ Công Thương lên đến 40% là khá cao so với mức biến động giá bình thường.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo theo hướng nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương. Nếu giá điện bình quân tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ trên Infonet ngày 30/3 về phương án điều chỉnh giá điện, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho hay, điện là yếu tố đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực, khi điện tăng chắc chắn tác động dây chuyền. Giá điện là vấn đề hết sức nhạy cảm, và phải thận trọng.
Theo ông Long, trong các nguồn điện ở nước ta hiện nay có thủy điện, nhiệt điện, điện dầu và năng lượng tái tạo. Trong đó cơ cấu nhiệt điện chiếm tỷ trọng lớn, còn điện tái tạo mới chiếm tỷ trọng nhỏ.
Nguyên tắc hình thành giá điện dựa vào các yếu tố đầu vào. Song trong các yếu tố đầu vào thì than chỉ là một yếu tố. Không phải than tăng là chi phí phát điện sẽ tăng bởi có thể yếu tố này tăng, yếu tố khác giảm nên phải tính toán một cách tổng thể. Và phải xem các chi phí đầu vào đó tăng là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.
“Phải xem cụ thể yếu tố đầu vào tăng bao nhiêu. Giá điện tăng phải xem xét chi phí đầu vào có tăng không, do khách quan hay chủ quan. Nếu do chủ quan phải xem cụ thể. Rất nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng đến giá điện như than, biến động tỷ giá… Còn thực tế, bao giờ doanh nghiệp cũng muốn đề xuất tăng”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Đông Nhiên (Tổng hợp)