VNPT không dễ thoái vốn ở các công ty con “bết bát”

Google News

Việc thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại các công ty con đang làm ăn bết bát, không hề đơn giản.

Việc thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại các công ty con đang làm ăn bết bát, không hề đơn giản.

Từ tháng 7/2011, Công ty cổ phần (CTCP)  Chứng khoán FPT đã được VNPT chọn làm đối tác tư vấn việc cơ cấu lại phần vốn của Tập đoàn đầu tư tại các doanh nghiệp. Theo đó, VNPT dự kiến chuyển nhượng các khoản đầu tư, thoái vốn tại một số doanh nghiệp mà Tập đoàn nắm cổ phần.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc chuyển nhượng, thoái vốn trên. Điều này phần nào cho thấy, việc thoái vốn tại các công ty mà VNPT đã góp vốn, nhất là các công ty đang trong tình cảnh làm ăn thua lỗ không phải là chuyện dễ.

Ảnh minh họa

Theo thống kê, VNPT đang góp vốn đầu tư vào 85 công ty cổ phần, công ty TNHH, nhưng không phải tất cả các công ty này đều có kết quả kinh doanh tốt trong thời gian qua, nhất là năm 2011 và nửa đầu năm 2012.

CTCP Đầu tư phát triển Sacom (mà VNPT đang nắm giữ tới 31,02% cổ phần) là một ví dụ. Theo kết quả kinh doanh năm 2011 được Sacom công bố, doanh thu năm 2011 của Sacom chỉ đạt 63% so với kế hoạch đề ra, còn lợi nhuận âm 178 tỷ đồng. Cổ phiếu SAM của Sacom cũng đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào dạng cảnh báo từ ngày 21/3/2012, do kết quả kinh doanh thua lỗ.

Một công ty khác là CTCP Dịch vụ kỹ thuật viễn thông - TST (mà VNPT đang nắm giữ 32,81% vốn điều lệ). Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của TST, năm 2011, lợi nhuận của Công ty âm 5,6 tỷ đồng, doanh thu là 33 tỷ đồng, còn trong 6 tháng đầu năm 2012, các con số tương ứng là âm 9 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình của TST với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Chứng khoán Hà Nội, lợi nhuận của Công ty âm một phần lớn là do lợi nhuận âm từ công ty liên kết (là CTCP Cáp quang Việt Nam - Vina-OFC). Một điều đáng lưu ý là, cả TST lẫn VNPT đều là các cổ đông lớn của Vina - OFC, trong đó VNPT nắm giữ 50% vốn điều lệ của Vina - OFC, còn TST sở hữu 25%.

Doanh nghiệp tiếp theo mà VNPT góp vốn thành lập cũng rơi vào tình cảnh làm ăn thua lỗ là CTCP Dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn (SPT). Năm 2010, VNPT nắm giữ 14,53% vốn điều lệ của SPT, hiện con số này là 8,53% (tỷ lệ giảm là do SPT tăng vốn điều lệ).

Theo báo cáo tài chính của SPT, trong 3 năm liên tiếp (2008-2010), SPT đều hoạt động trong tình trạng lợi nhuận âm. Tính sơ bộ đến giữa năm 2011, SPT bị lỗ tới 186 tỷ đồng.

Rõ ràng là, việc các công ty (mà VNPT nắm cổ phần) hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả sẽ khiến cho Tập đoàn khó thoái vốn. Bên cạnh đó, phần lớn các công ty mà VNPT góp vốn đều có những mối quan hệ với nhau, nên việc rút vốn ở một công ty sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến công ty khác có liên quan.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán PwC nhận định, với các tập đoàn kinh tế, việc thoái vốn ở bất cứ khoản đầu tư nào không phải muốn là làm được ngay, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế không thuận lợi như hiện nay.

Ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT cũng thừa nhận: “Việc thoái vốn đầu tư của VNPT ở các công ty con liên quan đến quá trình tái cấu trúc Tập đoàn, nên để hoàn thành cũng phải mất ít nhất 5 năm. Hơn nữa, việc thoái vốn của VNPT ở các công ty con thành công hay không còn cũng còn do thị trường quyết định”.

Tuy vậy, cũng phải nhắc lại rằng, theo yêu cầu của Chính phủ, hạn chót cho các kế hoạch thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là năm 2015.

Theo Đức Huy
Báo Đầu tư