“Vướng bận” nào còn lại sau khi Vinashinlines chết?

Google News

(Kiến Thức) - Vinashinlines sắp được cho phá sản, từ nay đến thời điểm ấy, nợ nần có được thanh toán, tàu có được bán hết và các thuyền viên có được trở về nhà?

Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đến 2015 được Thủ tướng phê duyệt chỉ rõ Vinalines sẽ buộc phải thoái vốn tại 37 doanh nghiệp, thực hiện giải thể, phá sản đối với 4 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Trong lĩnh vực vận tải biển, Vinalines phải cơ cấu lại đội tàu phù hợp với nhu cầu của thị trường, có phương án bán những tàu cũ khai thác không hiệu quả để giảm lỗ và chú trọng khai thác thị trường vận tải biển trong nước.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: Cho Vinashinlines phá sản là bước đi mạnh dạn nhưng muộn màng vì mọi chuyện đã đi quá xa. Đây là bài học đắng trong việc giám sát nguồn vốn nhà nước. Phải truy trách nhiệm của cả kiểm toán, các cơ quan giám sát ra sao mà để tình trạng bê bết quá mức. Trong chuyện này, Hội đồng quản trị và Ban giám sát đã không phát hiện được gì.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: Việc Chính phủ cho phép Vinashinlines phá sản là đúng và cần thiết chứ không thể nào theo cách như trước đây đã từng xử lý đối với Vinashin.
Còn về các khoản nợ nần của Vinashinlines, TS Lê Đăng Doanh cho biết, theo đúng thủ tục phá sản, sẽ có sự phán xét của tòa án, tính toán việc trả thuế của nhà nước, lương công nhân và trả nợ cho các chủ nợ khác. Tùy theo tỉ lệ nhưng ngân hàng sẽ thiệt nhất.
Được biết, liên quan đến các kiến nghị của Vinalines về việc khoanh nợ, xóa nợ tại các ngân hàng thương mai quốc doanh và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Vinalines làm việc trực tiếp với từng ngân hàng, trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Với các khoản nợ tại các tổ chức tín dụng khác, Bộ GTVT phối hợp với NHNN để xử lý việc khoanh nợ, xóa nợ theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Công ty Mua bán nợ quốc gia và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp sẽ tham gia mua lại các khoản nợ của Vinalines, giao Bộ Tài chính hướng dẫn, xử lý cụ thể theo thẩm quyền.
Trong khi đó, về việc phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để đảo nợ vay ngân hàng, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo quy định.
Việc "chia nợ" trong nước phần nào đã được tính toán, nhưng trong trường hợp này, dư luận quan tâm tới số phận của các thuyền viên vẫn còn đang kẹt tại nước ngoài, đang khốn khổ giữ những con tàu "tai tiếng" ở xứ người.
Dư luận được biết quá nhiều những lời kêu cứu của anh em thuyền viên từ nước ngoài và cả những bức xúc, băn khoăn của gia đình, người thân của các thuyền viên bởi con em họ đi tàu dài ngày nhưng không có lương, không được hồi hương. Mới đây nhất, gia đình của các thuyền viên tàu Hoa Sen, Sea Eagle và New Horizon đã kéo đến trụ sở của Vinashinlines để yêu cầu đưa con em của họ về nước. Họ cho biết điều kiện ăn uống, sinh hoạt của các thuyền viên đang gặp nhiều khó khăn. Các gia đình đã yêu cầu công ty đưa thuyền viên về nước từ 2 năm nay mà không có kết quả.
Được biết, ngoài tàu New Phoenix đã bán được hồi cuối tháng 3/2013 với giá hơn 3,7 triệu USD và tàu Hoàng Sơn 28 đang cho thuê, thì số lượng các thủy thủ trên 5 con tàu còn lại đang bị giữ ở nước ngoài là: Tàu Diamond Way 8 thuyền viên, tàu New Horizon 20 thuyền viên, tàu Cái Lân 4 có 22 thuyền viên, tàu Sea Eagle có 9 thuyền viên và tàu Hoa Sen có 9 thuyền viên. Những con tàu này đang neo an toàn tại cảng biển ở các nước Pakistan, Trung Quốc, UAE và Ấn Độ.
Lãnh đạo Bộ GTVT, Vinalines và Vinashinlines đã nhiều lần cho báo giới biết, phải chờ bán được tàu thì mới giải quyết được tiền lương và đưa anh em thủy thủ về nước.
Ông Lê Phan Linh, Chủ tịch Công đoàn Vinalines cũng cho hay: Công đoàn đang nỗ lực cùng với chính quyền nghiên cứu các giải pháp để cố gắng bán tàu cho nhanh và giải quyết cho anh em thuyền viên và gia đình của họ về vấn đề kinh tế, tinh thần. Ông Linh cũng khẳng định: Chắc chắn phải bán được tàu và đưa anh em về nước rồi mới tổ chức cho phá sản Vinashinlines. Vinashinlines cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và không có chuyện bỏ rơi anh em thuyền viên ở nước ngoài khi Vinashinlines phá sản.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng cho báo giới biết, Bộ này đang cố gắng bằng mọi khả năng có thể và ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan đến thuyền viên trên các tàu của Vinashinlines đang bị lưu giữ ở nước ngoài. Việc bán tàu đang được xúc tiến triển khai tích cực và hy vọng thời gian tới sẽ bán được tàu. Khi chưa bán được tàu vẫn phải động viên anh em thông cảm với khó khăn chung của Vinashinlines để ở lại giữ tàu, ngay khi bán được tàu thì sẽ giải quyết mọi thủ tục liên quan để đưa anh em thuyền viên về nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng cho biết, hiện Chính phủ đã cho Vinashinlines vay 200 tỷ đồng để tổ chức bán tàu và giải quyết chế độ tiền ăn, sinh hoạt cho các thuyền viên.
Ngày 23/7, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Quế Dương, Tổng giám đốc Vinashinlines cho biết: Hiện Vinashinlines đã thuê công ty luật xây dựng phương án phá sản theo luật định, tuy nhiên chưa xong. Với 7 tàu đang nằm tại nước ngoài đã cho phép bán, hiện mới bán được 1 chiếc và giải quyết chế độ cho thuyền bộ trên tàu. Tổng công ty cũng đang cố gắng đàm phán bán nốt các tàu còn lại, nhưng chưa đạt kết quả. Với các thuyền viên trên tàu, Tổng công ty vẫn cung cấp tiền ăn, sinh hoạt duy trì hoạt động của tàu. Mới đây, Tổng công ty cũng đã trả tạm 3 tháng lương cho thuyền viên tại 4 tàu Diamon Way, New Horizon, Hoa Sen và Sea Eagle để giảm bớt khó khăn cho gia đình các thuyền viên.
Minh Phương (Tổng hợp)