Bàn chải nano bạc siêu diệt khuẩn Dr.Kool là “trò lừa“?

Google News

(Kiến Thức) - Để làm sáng tỏ việc có kiểm nghiệm được hàm lượng nano bạc, Kiến thức đã liên hệ với ông Mai Văn Sủng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3).

Ông Sủng cho biết, Trung tâm 3 hoàn toàn có thể thử nghiệm và phân tích được nano silver trong sản phẩm. Theo ông Mai Văn Sủng, phương pháp phân tích ở đây là xác định có phải cấu trúc nano bạc hay là mạ thông thường. Hiện nay, Trung tâm đã làm nhiều những phân tích về thành phần hàm lượng bạc cũng như nano bạc trong sản phẩm gia dụng.

Không có nano bạc kháng khuẩn

PGS.TS Nguyễn Quốc Hiến, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có thể phân tích, xét nghiệm được thành phần nano bạc, kim loại bạc trong sản phẩm nhựa, gạch, kem đánh răng, bình sữa... Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ cũng đã thành công sản xuất nano bạc dạng bột, dạng nước đưa vào sản phẩm để diệt khuẩn. Đã sản xuất ra được vật liệu thì phải có hệ thống kiểm định, đánh giá. Vấn đề mấu chốt là hàm lượng nano bạc phải đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người sử dụng và độ bền kháng khuẩn của sản phẩm. 

Trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu về các sản phẩm nano bạc có mặt trên thị trường, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ cũng gửi mẫu bàn chải này tới Trung tâm 3 để thử nghiệm thành phần bạc trong bàn chải bằng phương pháp AOAC 2010 (990.08) - ICP. Kết quả cho thấy, hàm lượng bạc trong bàn chải < 1mg/kg. Như vậy, trong bàn chải hầu như không có hàm lượng bạc; vì bạc nano và bạc ion phân tích giống nhau nên có thể kết luận: Bàn chải không có nano bạc kháng khuẩn. 

Những lời quảng cáo trên sản phẩm Dr.Kool. 

Nano bạc dễ bị ăn mòn

Nói về nano bạc diệt khuẩn ứng dụng trong các loại sản phẩm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Vật liệu mới và Vật liệu cấu trúc nano (Viện Vật lý TPHCM) cho biết thêm, công nghệ nano bạc làm dễ hơn titan (TiO2) nhưng thời gian sống để diệt khuẩn không cao bằng. Lý do vì nó dễ bị ăn mòn hoặc oxy hóa trong quá trình sử dụng. Hơn nữa, để sản phẩm có chứa thành phần diệt khuẩn này phát huy tác dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hàm lượng nano bạc vào vật liệu là bao nhiêu? Cách pha trộn thế nào, phủ bên ngoài sản phẩm hay trộn vào vật liệu làm thành phẩm. 

Người dân đánh răng bằng bàn chải Dr.Kool. 

Về nội dung tem dán trên bao bì bàn chải đánh răng Dr.Kool: "bàn chải sử dụng công nghệ nano với các siêu phân tử bạc (nano silver) không chỉ ở lông bàn chải mà còn ở cả đầu bàn chải, có tác dụng tấn công tiêu diệt tới 99,9% các loại vi khuẩn gây hại...", ông Phạm Công Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Sản xuất & Dịch vụ Sao Nam cho biết: Doanh nghiệp đã làm việc với Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương. Vì có ý kiến cho rằng diệt 99,9% là những loại vi khuẩn gì. Vì thế, việc đưa ra thông tin như vậy là không khách quan... "Hiện, tem nhập khẩu ghi trên sản phẩm này đã bỏ không đề "diệt khuẩn 99,9%" ngoài bao bì nữa", ông Sinh khẳng định. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cho xem sản phẩm có loại tem này, ông Sinh cho biết hiện số tem mới đã dán hết.

Bên Hàn Quốc có nhiều sản phẩm đúng là có chứa nano bạc như kem đánh răng, dầu gội... Và chúng tôi còn tìm ra chính xác hàm lượng nano bạc có trong những sản phẩm đó. Tuy nhiên, "thượng vàng hạ cám", liệu những sản phẩm của Hàn Quốc nói có nano bạc như Dr.Kool  bán trên thị trường có chính xác là của chính hãng? 

PGS.TS. Nguyễn Quốc Hiến (Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam)

BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐỌC NHIỀU:

Nhóm phóng viên