Những ngày này, khách Hà Nội muốn mua bánh trung thu Bảo Phương phải đi từ sớm và xếp hàng dài chờ tới lượt như thời bao cấp. Thậm chí nhiều người phải chầu chực tới tận khuya mới mua được. Có khách còn phải thuê người mua giúp với chi phí vài chục nghìn.
Vào giờ cao điểm, đoạn đường gần 3 cơ sở của tiệm bánh này liên tục tắc. Không khí náo nhiệt, ồn ào ở đây bắt đầu từ đầu tháng 7 cho đến hết rằm tháng 8 âm lịch.
Theo chủ cửa hàng, trung bình mỗi ngày, một cơ sở bán ra khoảng 2.000 chiếc bánh. Để đáp ứng điều này, cơ sở phải thuê 60 công nhân làm việc cả ngày trong suốt mùa Trung thu. Một cơ sở phải có 3 người đứng bán, 4 người đóng gói và gần 10 người làm nhân cũng như tiếp bánh từ xưởng vào. Đó là chưa kể 8 người làm nhiệm vụ trông, dắt xe cho khách cũng như đảm bảo an ninh.
|
Khách hàng xếp hàng dài chờ mua bánh trung ở cửa hàng Bảo Phương. Ảnh: Ngọc Lan. |
Tại cửa hàng, bánh chất lên cao ngất nhưng liên tục vơi. Mặc dù một cơ sở sản xuất vừa bị tạm đình chỉ hoạt động 2 ngày, do không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng 2 cửa hàng khác của thương hiệu này vẫn đông khách xếp hàng.
Đối diện đó là tiệm bánh trung thu của một thương hiệu lớn nhưng im ắng. Đặc biệt, 2 cửa hàng kế bên, cũng có tuổi đời trên 40 năm, khách cũng vắng hoe. Hơn chục nhân viên trong xưởng đang làm việc, nhưng thao tác không vội vàng, gấp rút.
Bà chủ tên Nga ngồi đọc báo, cho biết, cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương được mở từ lúc giải phóng thủ đô năm 1954, từ đời ông Phạm Vi Bảo. Sau đó, con, cháu tách ra làm và lấy thương hiệu riêng. Riêng ông Định, con trai lớn giữ tên cũ đến giờ.
Không tiết lộ về lượng bánh bán ra mỗi ngày, nhưng bà Nga cho biết, hơn 40 năm nay, cửa hàng bà chỉ làm bánh trung thu truyền thống, lượng khách mua vừa phải. Bánh tại các cửa hàng trên phố này có giá ngang nhau, dao động 40.000-80.000 đồng một chiếc, tùy loại. Các nhà thống nhất không giảm giá, cho dù đến một đồng nếu bánh còn dư đến rằm tháng 8.
Chuyện ít biết ở phố bánh trung thu truyền thống Thụy Khuê
Trong khi đó, những người trên dãy phố Thụy Khuê lại cho biết, chỉ ăn hàng bánh kế bên. Ảnh: Ngọc Lan.
Bà Nga cũng cho biết, cửa hàng không hạn chế số lượng khách mua. "Khách mua càng nhiều thì càng tốt. Bánh có giá chung nên người mua không sợ thiệt thòi. Mấy năm trở lại đây, mẫu mã, chất lượng bánh như nhau, không có gì thay đổi cả", bà Nga nói.
Tại cửa hàng này, khách mua lẻ không nhiều, chủ yếu đặt theo đơn hàng lớn. Song, điều đặc biệt là hàng xóm trên dãy phố ủng hộ rất nhiệt tình.
Anh Thanh, nhà nằm giữa các tiệm bánh trung thu truyền thống trên dãy phố Thụy Khuê, cho biết, anh thường mua ở hàng kế bên, là hàng của bà Nga. "Từng nếm thử vị bánh của các bên, tôi thấy đều như nhau, chẳng có gì khác biệt cả. Tội gì phải đứng xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ để mua được một cặp bánh", anh nói.
Ông Nguyễn Đoàn, sống gần đó cũng cho biết: "40 năm ở phố này, tôi chưa ăn bánh Bảo Phương bao giờ. Vợ tôi mua biếu xén thì sang hàng kế bên cho nhanh. Đâu cũng là hương vị bánh truyền thống".
Còn bà Thủy, bán trà đá đầu phố Thụy Khuê, cho biết, chỉ mua bánh trung thu của Bảo Phương khi đem biếu, nếu ăn thì mua ở hàng bên cạnh. "Khách họ thích vì thương hiệu có từ lâu. Năm nào người mua cũng xếp hàng dài nên thành 'sang chảnh'. Chứ tôi thấy, giá cả như nhau, cùng chung một lò ra thì mua ở đâu cũng vậy", bà Thủy nói.
Cũng theo người hàng xóm này, tất cả cũng do kiểu bán hàng mà ra, cứ đông khách là người mua phải chầu chực, không còn khái niệm khách hàng là thượng đế.
Theo Zing