Theo Simple Flying, doanh thu phụ trợ của ngành hàng không đến từ tất cả các khoản hành khách phải chi trả thêm khi mua vé máy bay, ví dụ như phí lựa chọn chỗ ngồi, thêm hành lý ký gửi, thêm chỗ để chân, mua vài món ăn vặt như mì tôm hay quà lưu niệm như gấu bông.
Ngoài ra doanh này còn có sự đóng góp từ những chương trình khách hàng bay thường xuyên, thẻ tín dụng đồng thương hiệu, công ty bảo hiểm và các đối tác khách sạn.
Thông thường, ngành hàng không gộp doanh thu phụ trợ vào thành hai nhóm là doanh thu từ khách hàng bay thường xuyên, phí hoa hồng và doanh thu từ các dịch vụ tự chọn.
|
Doanh thu phụ trợ của ngành hàng không toàn cầu dự kiến vượt quá 100 tỷ USD vào năm 2019. Ảnh: Alamy. |
100 tỷ USD từ dịch vụ phụ trợ
Khoản phí này đến từ những đồ bạn mua khi tiếp viên đẩy xe đi qua giữa các hàng ghế, và cũng bao gồm cả những tiện ích bạn mua thêm cộng vào giá vé căn bản.
Trong khoản doanh thu phụ trợ hơn 100 tỷ USD dự kiến chảy vào túi các hãng bay trong năm 2019, khoảng 69% đến từ việc đặt dịch vụ tự chọn, phần còn lại là từ khách hàng bay thường xuyên và phí hoa hồng. Tỉ lệ này không thay đổi theo thị trường và loại hình công ty hàng không.
Chuyên gia Dan Reed trong bài viết trên Forbes đã chỉ ra rằng 5 hãng bay lớn nhất của Mỹ sẽ tạo ra doanh thu phụ trợ hơn 29 tỉ USD vào năm 2019. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính doanh số bán vé máy bay toàn cầu năm 2019 sẽ đạt 899 tỷ USD.
Trong đó, doanh thu phụ trợ sẽ chiếm khoảng 12,2%, tương đương 23,91 USD mỗi hành khách.
Ngành hàng không đang thay đổi từ loại hình vé trọn gói sang loại hình bao gồm giá vé gốc và khách hàng lựa chọn chi trả thêm để sử dụng các loại dịch vụ lẻ. Xu hướng này xuất hiện là bởi hành khách ngày càng khắt khe hơn với tính minh bạch của từng loại chi phí riêng lẻ.
|
Mỗi hành khách trung bình chi khoảng 23,91 USD cho các dịch vụ phụ trợ khi đi máy bay. Ảnh: Travel & Leisure. |
Xu hướng này không chỉ diễn ra ở các hãng hàng không giá rẻ mà còn xuất hiện trên các hãng bay lớn truyền thống như British Airways hay American Airlines, nơi mà việc lựa chọn chỗ ngồi không còn miễn phí.
Hình thức này cũng đang len lỏi vào các khoang hạng ghế cao cấp, khi mà một số hãng hàng không đang bắt đầu thử nghiệm với các loại vé không trọn gói ở hạng thương gia.
Vì sao doanh thu phụ trợ ngày càng quan trọng?
Câu trả lời là lợi nhuận cao, tuy nhiên còn có nhiều lí do hơn thế. Theo báo cáo của IdeaWorks và Cartrawler, ngành hàng không có đặc thù là dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, chi phí vận hành cao và áp lực giảm giá vé đang ngày một đè nặng.
Bằng cách đa dạng hóa doanh thu từ việc bán vé máy bay trọn gói, các hãng hàng không đang cố gắng đi theo hướng ngược lại. Ryanair có thể giảm giá vé gốc và dùng mức giá này để quảng cáo và thu hút khách hàng.
Trong khi đó chi phí hành lý xách tay, chọn chỗ ngồi, đồ ăn và tất cả các chi phí khác vẫn giữ nguyên. Bên cạnh việc tăng trưởng tốt, doanh thu từ dịch vụ phụ trợ tỏ ra rất ổn định trong những năm gần đây.
Các hãng hàng không truyền thống với những chương trình khách hàng thường xuyên có thể thu lợi nhuận thông qua việc liên doanh với các tổ chức tài chính, khách sạn, công ty cho thuê xe, siêu thị, bảo hiểm, trạm xăng, và danh sách này vẫn đang tiếp tục nối dài.
|
Nhiều hãng hàng không truyền thống đã thử nghiệm thu phí dịch vụ phụ trợ qua việc chọn ghế ngồi. Ảnh: Shutterstock. |
Đến một thời điểm nhất định, hầu hết giao dịch bạn thực hiện có thể được liên kết với một tài khoản khách hàng thường xuyên, tích điểm cho bản thân và cùng lúc đem lại doanh thu cho các hãng bay.
Báo cáo của IdeaWorks chỉ ra rằng vai trò của doanh thu phụ trợ đang thay đổi cách thức hoạt động của ngành hàng không, bất chấp những thách thức về kinh tế và vận hàng mà họ đang phải đối mặt, doanh thu phụ trợ vẫn đang phát triển.
Đây là nguồn lợi nhuận mang lại giá trị cao cho các hãng bay. Đối với khách hàng toàn cầu, không ai thực sự thoải mái với việc phải chi thêm nhiều tiền khi bay. Nhưng có lẽ đó là điều tất cả chúng ta phải thích nghi.
Theo Linh Trần/Zing