Mới đây, trong đợt thanh kiểm tra 1.718 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vàng và mỹ nghệ, Bộ KH&CN phát hiện 432 cơ sở (25%) có vi phạm. Theo đó, khách hàng đang chịu nhiều thiệt thòi khi mua bán vàng.
Theo thông tin từ Bộ KH&CN, các vi phạm phổ biến nhất hiện nay là: Vàng không đạt chất lượng theo công bố, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác.
Đặc biệt, theo quy định tại Thông tư số 22 của Bộ KH&CN, mức sai số hàm lượng vàng cho phép là 0,1%-0,3% nhưng thực tế mức sai số hiện nay thường là 1%-3%, đây là con số đáng báo động.
|
Ảnh minh họa.
|
Thông tin này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang về chất lượng vàng trên thị trường Việt Nam hiện nay. Để tránh khỏi mua phải
vàng non tuổi, vàng kém chất lượng, những thông tin dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn.
Chị Thúy Anh, quản lý ở cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu cho biết: “Tuổi vàng trên các sản phẩm vàng, bạc, nữ trang thường được ký hiệu bằng những con số khác nhau thể hiện trọng lượng hàm lượng vàng khác nhau có trong nó. Tuy nhiên để đọc và hiểu được chính xác ý nghĩa các con số này đòi hỏi bạn phải có kiến thức cơ bản về vàng. Tốt nhất nếu có thể hãy dùng kính lúp soi vàng. Vàng đủ độ già sẽ có bề mặt mịn, không có các chấm nhỏ li ti, không lồi lõm”.
Chị Hằng (48 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Có lần tôi mua vàng bốn số 9 nhưng sau một thời gian sau đi bán lại ra là vàng 98%. Khi hỏi chủ cửa hàng sao lại như vậy thì nhận được câu trả lời là do lúc đầu tôi mua vàng ở chỗ cửa hàng không uy tín nên có thể tôi đã bị lừa. Thực sự bản thân mình đi mua cũng không biết được chính xác hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được mua hay bán, tức người bán nói sao thì biết vậy. Đó là chưa kể mỗi đơn vị lại sử dụng các phương pháp thử vàng khác nhau nên có khi cùng một loại vàng nhưng giám định ở các cửa hàng khác nhau thì cho ra kết quả khác nhau. Rút kinh nghiệm những lần sau tôi chỉ đến những cửa hàng vàng cực uy tín hoặc của nhà nước và giữ kĩ đơn mua để còn biết đối chiếu khi mình đi bán lại”.
Tình trạng cố tính tăng tuổi thọ của vàng thường được người bán vàng áp dụng để trục lợi. Phần đông các tiệm vàng vẫn còn sử dụng loại cân thô, nên sự chuẩn xác về trọng lượng hoàn toàn phụ thuộc vào người bán.
Trong một lần trả lời báo chí, ông Hoàng Thành Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành Trung (địa chỉ số 101, phố Hàng Gà, Hà Nội) chuyên kinh doanh vàng bạc và giám định vàng khẳng định: “Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ không thể đoán được tuổi vàng, thậm chí nếu không phải dân trong nghề thì không thể phân biệt được mẫu sản phẩm là vàng hay đồng, bạc hay vàng trắng, vàng trắng hay bạch kim”.
Theo ông Sơn, tuổi vàng thường giảm so với sai số được công bố thường thuộc các sản phẩm nữ trang bằng vàng tây và vàng trắng. Việc này khó hơn ở các sản phẩm vàng ta. Trên thực tế, vàng nữ trang có 3 độ tuổi khác nhau: 6,8 tuổi, 7 tuổi và 7,5 tuổi. Thông thường, vàng có độ tuổi 7,5 thường được gọi là vàng 18k là loại vàng có độ tuổi cao, chuyên để chế tác các sản phẩm nữ trang cao cấp.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều sản phẩm được đóng dấu 18K nhưng khi giám định chỉ được từ 11 - 14K tức là tuổi vàng chỉ từ 3,5-5 tuổi. Ở vàng trắng, độ tuổi của vàng thấp hơn vàng ta và vàng tây. Cũng giống như vàng tây, vàng trắng có độ tuổi từ 7 trở lên sẽ được dành chế tác các sản phẩm nữ trang cao cấp.
Để tránh bị móc túi một cách vô lý, ông Hoàng Thành Sơn khuyên: “Người tiêu dùng nên thử tuổi vàng sau khi rời tiệm vàng. Người dân có thể mua vàng tại bất cứ cửa hàng nào, nhớ là phải lấy hoá đơn sản phẩm. Và sau đó nên đi giám định tuổi vàng. Đối với vàng trắng, vàng tây, độ dung sai cho phép là 2%, tức là tuổi vàng 18k, khi giám định được 7,4 -7,3 tuổi có thể chấp nhận được, con số này ở vàng ta là 1-2%o, tức là vàng ba, bốn số 9, khi giám định phải đạt 99,8% mới chấp nhận được”.
Nhụy Hồ