CEO "chợ hàng giả khét tiếng" Alibaba lên tiếng chống hàng giả

Google News

CEO của Alibaba, Jack Ma, đề nghị tống giam những người làm hàng giả trong khi Alibaba được coi là một chợ hàng giả khét tiếng.

Jack Ma, người sáng lập và giám đốc điều hành của Alibaba, luôn tự nhận mình là một chiến binh chống lại hàng giả và đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh phải thực hiện một kế hoạch cứng rắn đối với hàng giả, thậm chí còn đề xuất việc tống giam những người làm hàng giả vào tù.
Tuy nhiên, nếu những đề xuất của Jack Ma được thực hiện, chính ông sẽ gặp phải tai họa, vì Alibaba đã từng bị Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phân loại là một “Notorious Market” (tạm dịch “chợ hàng giả khét tiếng”), đặt cạnh thepiratebay.org, trang web được xem là có vi phạm lớn nhất trên thế giới về IP, nhãn hiệu, và luật bản quyền.
 
Craig Crosby của tờ Tribfeit Report - một công ty ủng hộ người tiêu dùng đang dẫn đầu cuộc chiến tại Mỹ chống lại hàng giả - nói rằng việc gọi Alibaba là một “Notorious Market” là hoàn toàn xứng đáng và nói vui rằng nó rất phù hợp khi được đặt tên theo câu chuyện “AliBaba và 40 tên cướp”.
Trong một thông cáo báo chí gần đây, Crosby nói rằng Alibaba đã cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối hàng giả đi khắp thế giới. Ông khẳng định hàng giả tồn tại rất nhiều, người tiêu dùng đang bị lừa dối, các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ đang bị tổn thất khi thực tế là Alibaba không thể loại bỏ được các loại hàng giả.
Ông này cũng cho rằng cần áp dụng những hành động cưỡng chế buộc công ty này phải tuân thủ pháp luật.
Năm 2016, Alibaba tự hào rằng công ty đã tiêu thụ được 380 triệu sản phẩm và đã đóng cửa 180.000 cửa hàng trên Taobao.com vì bán hàng giả. Năm 2017 số lượng cửa hàng bị đóng cửa đã tăng lên 240.000.
Tuy nhiên, theo như Crosby thì Alibaba định làm nhiệm vụ chống lại vấn nạn hàng giả tràn lan trên chính sân chơi của nó và hỗ trợ các thương hiệu loại bỏ hàng giả nhưng sự thật lại không phải vậy.
Crosby cho rằng chương trình thực thi chống hàng giả AliProtect của Alibaba hiện có rất nhiều trở ngại; nhiều hướng dẫn khó hiểu, mâu thuẫn và nhiều phản ứng vô lý đối với các thông báo của chủ sở hữu bản quyền.
Crosby thậm chí còn nói rằng ông đã bị từ chối hoàn lại tiền khi mua thử nghiệm các sản phẩm đã được xác nhận là giả mạo và được biết rằng Alibaba không có số điện thoại hỗ trợ khách hàng hay xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Những cuộc gọi đến trụ sở công ty Mỹ đều không được trả lời, bị ngắt kết nối, hoặc chỉ thị để lại lời nhắn. Alibaba gửi email đáp lại những yêu cầu về thông tin hoặc tài liệu với nội dung: “Xin vui lòng không trả lời email/ tin nhắn này. Hộp thư này không được giám sát và bạn sẽ không nhận được phản hồi” và hướng người dùng đến một trang web của Alibaba nhưng trang này không chấp nhận các tệp tin tài liệu.
Crosby có thể khẳng định các báo cáo táo bạo của mình bằng kinh nghiệm trực tiếp vì công ty của ông đã thay mặt chủ thể quyền xác định và xóa hơn 18 triệu mục vi phạm trên các trang web của Alibaba. Ông tiếp cận hàng giả trong vai trò là một nhân viên thực thi pháp luật và sẽ đảm bảo để có thể sử dụng các tài liệu làm chứng cứ tại tòa. Crosby khẳng định tất cả mặt hàng mà họ đã mua đều được đóng gói và dán nhãn làm bằng chứng, mọi giao dịch và ảnh chụp màn hình đều được chụp và lưu lại. Ông nói rằng chỉ còn một việc nữa là đưa ra thông cáo báo chí.
Trong khi Jack Ma nhấn mạnh rằng người bán hàng giả nên bị tống giam thì thực tế ông ta vẫn tiếp tục hưởng lợi nhuận trực tiếp từ họ. Tháng 3 năm 2017, Jack Ma viết một bản tuyên bố gửi cho các đại biểu của nghị viện Trung Quốc nói rằng phần lớn những kẻ làm hàng giả không chịu trách nhiệm pháp lý về hành động của họ. Đây là điều mà Jack Ma nên biết rõ hơn bất cứ người nào khác.
Theo Trí Dũng/Zing