Chi tiết phân tích nguyên liệu bánh gatô Hồng Kông bốc mùi

Google News

(Kiến Thức) - Theo đầu bếp Nguyễn Văn Thắng, bánh mới bốc mùi có thể bắt đầu từ bột để lâu cộng với các nguyên liêu bảo quản không tốt khi phết lên bạt bánh kết hợp với nhau sẽ gây lên mùi nhanh...

Chiếc bánh hỏng được mang đến cửa hàng bánh ngọt Hồng Kông. 
Cho đến thời điểm này, Vậy cơ sở Bánh ngọt Hồng Kông (149 Giảng Võ, Hà Nội) vẫn chưa chính thức đưa ra lý giải nguyên nhân tại sao bánh vừa mua buổi sáng đến trưa đã bốc mùi. Trong lúc chờ kết quả kiểm nghiệm, phóng viên đã tìm đến đầu bếp Nguyễn Văn Thắng, giáo viên Trung tâm dạy nấu ăn EZcooking để tìm câu trả lời.
Đầu bếp Nguyễn Văn Thắng khẳng định, bánh có mùi vị khác lạ là bánh đã hỏng, tuyệt đối không nên sử dụng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bánh hỏng: nguyên liệu, khâu chế biến, bảo quản và hạn sử dụng...
Theo đầu bếp Thắng, nếu đúng bánh mới được làm ban sáng thì để ở nhiệt độ bình thường, chứ không cần se lạnh như mấy ngày vừa qua bánh cũng chưa thể bốc mùi như vậy được. Trường hợp bánh bốc mùi, kem cứng... thường là do bánh để lâu (thường quá 3 ngày). Bình thường trong điều kiện bảo quản tốt, nguyên vật liệu tốt, quy trình sản xuất bảo đảm... bánh vẫn đảm bảo chất lượng ở ngày thứ 2, thứ 3. Tuy nhiên, ngon và đảm bảo nhất thì nên sử dụng trước 24 giờ.
Đầu bếp Thắng cho biết, chất lượng của bánh phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu, chế biến và hạn sử dụng. Bánh mới bốc mùi có thể bắt đầu từ bột để lâu cộng với các nguyên liêu bảo quản không tốt khi phết lên bạt bánh kết hợp với nhau sẽ gây lên mùi nhanh. Nguyên nhân thứ hai là do kem và bơ chất lượng kém, được bảo quản không tốt. Bởi thông thường các nguyên liệu như: kem, bơ... được bảo quản trong tủ chuyên dụng và các nguyên liệu thường được để chung với nhau và với tốc độ làm bánh chuyên nghiệp thì việc mở tủ để lấy nguyên liệu là liên tục nên thường nhiệt độ trong tủ nguyên liệu không bảo đảm nên chất lượng nguyên liệu có thể kém đi. 
Với dòng bánh opera vừa có trái cây, rượu, kem, bơ, sôcôla, có hàm lượng chất béo cao, rượu tạo mùi nếu để lâu rất dễ có mùi lạ. Bơ kém hoặc bảo quản không tốt, quá date khi đánh lên sẽ có mùi gây, khét, khó ăn. Đặc biệt, nếu kem bơ lại được đánh với lòng trắng trứng thì nguy cơ hỏng sẽ nhanh hơn.
Khâu vệ sinh trong quá trình đánh kem không bảo đảm sẽ là nguyên nhân khiến vi khuẩn xâm nhập làm hỏng bánh. Bởi dụng cụ đánh kem đòi hỏi khô và sạch tuyệt đối, chỉ dính một chút nước hoặc bẩn cũng làm hỏng nguyên liệu và gây hỏng bánh nhanh chóng. Do đó, môi trường và người làm bánh đòi hỏi phải đảm bảo tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Đầu bếp Thắng bật mí, khi đi mua bánh, người tiêu dùng cần quan sát kỹ và thử bánh trước khi mua. Chớ chủ quan chỉ nhìn hình thức thấy bánh đẹp và quả tươi là yên tâm bởi người ta có thể thay quả trên chiếc bánh cũ. Bánh mới là bánh có lớp kem còn bóng, tươi, kiểm tra bằng tay thấy kem mềm, không cứng. Bánh để qua ngày kem dễ gẫy. Nếu bánh có sôcôla thì sôcôla phải tươi bóng, thơm, nếu xỉn là bánh cũ. Với bất kỳ loại bánh nào, nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì tuyệt đối không nên ăn bởi nhẹ thì sẽ ảnh hưởng đường tiêu hóa, đau bụng, đi ngoài, nặng sẽ gây ngộ độc có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Nhóm PV Y tế (thực hiện)