Việc một doanh nghiệp đề nghị Cục Hải quan TP.HCM hướng dẫn các thủ tục về hải quan để xuất khẩu tro hỏa táng của người quá cố và nhập khẩu mặt hàng kim cương nhân tạo được làm từ tro hỏa táng của người quá cố khiến dư luận đang rất quan tâm.
Được biết, doanh nghiệp này có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Hiện tại công ty mẹ tại Thụy Sĩ của doanh nghiệp này đang kinh doanh kim cương nhân tạo từ tro cốt của người quá cố với giá cho mỗi lần chế tác vào khoảng 5.000 euro.
Cục Hải quan TP.HCM đang rất lúng túng trước đề nghị lạ của doanh nghiệp trên và đã báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn cụ thể.
|
Tro cốt người có thể chế tác thành kim cương nhân tạo. Ảnh: Internet. |
Trao đổi về vấn đề này với
Kiến Thức, TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở nước ngoài những hoạt động kinh doanh như thế này không còn lạ. Đặc biệt với xã hội hiện nay, những điều tưởng chừng như không thể cũng trở thành một loại hàng hóa trong kinh doanh.
Ở đây, tro cốt người quá cố trở thành hàng hóa kinh doanh đặc biệt và nó được dùng để chế tác kim cương nhân tạo. Được biết, một công ty ở Thụy Sĩ đã triển khai loại hình kinh doanh này từ năm 2004.
Theo như những nghiên cứu đã công bố, giá cho một lần chế tác kim cương nhân tạo không hề rẻ vì phải tạo ra môi trường chế tác như kim cương tự nhiên. Nếu loại hình kinh doanh này được triển khai ở Việt Nam, thì chỉ những người có nhiều tiền mới dám mạnh tay chi cho một lần tạo ra kim cương nhân tạo.
Vì đây là hoạt động kinh doanh chưa có tiền lệ pháp lý ở Việt Nam, nên có thể các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều vướng mắc. Nhưng không phải vì thế mà hoạt động kinh doanh này không có khả năng trở thành hiện thực. Điều quan trọng, các cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng và khi nó đi vào hiện thực phải luôn quản lý chặt chẽ.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho hay: Chế tác kim cương nhân tạo từ tro cốt người chết là một khoa học tiên tiến nhưng chưa được nhiều người biết đến. Ở Việt Nam, cũng rất ít người biết đến việc này. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh tro cốt người quá cố để chế tác kim cương càng trở nên mới mẻ và rất lạ ở nước ta.
Đứng ở khía cạnh người tiêu dùng, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất phân tích: Những người có nguyện vọng mang tro cốt người thân nhờ doanh nghiệp mang sang Thụy Sĩ chế tác kim cương nhân tạo có thể xuất phát từ 2 tâm lý: Một là lòng thành với người quá cố, hai là vì lợi ích khác. Nếu đây là việc làm thành tâm thì nó sẽ mang lại sự thanh thản cho người mang đi chế tác. Nhưng nếu đây là một việc làm vụ lợi thì khía cạnh nhân ái sẽ được nhìn nhận lại. Việc làm này mang tính chất kinh tế, vật chất nhiều hơn.
Việc một người mang tro cốt người thân đi chế tác thành kim cương sẽ khiến nhiều người khác hoài nghi, trong đó có cả những người thân trong một gia đình vì đây là một việc làm khác lạ.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, chuyên gia Nguyễn An Chất cho rằng: Tất nhiên, đối với một doanh nghiệp, kinh doanh bất cứ loại sản phẩm hàng hóa nào họ cũng đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Dù đây là một loại hình kinh doanh mới mẻ nhưng qua văn bản mà doanh nghiệp đề xuất lên Cục Hải quan TP.HCM thì thấy doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ cho hoạt động kinh doanh này. Họ chỉ băn khoăn ở các thủ tục hải quan mà thôi.
Chuyên gia Nguyễn An Chất cho biết, quan trọng nhất là động thái từ Cục Hải quan và cao hơn nữa là Tổng Cục Hải quan. Đối với Cục Hải quan TP.HCM, dường như đang có một sự lúng túng trước đề xuất của doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp một cách chặt chẽ để những hoạt động kinh doanh này không gây ảnh hưởng tới cộng đồng, không gây tâm lý lo ngại trong cộng đồng.
Hải Sơn